Phước Hòa phát triển chuỗi giá trị bắp lai

(NTO) Xã Phước Hòa (Bác Ái) hiện có 384 hộ, với 1.741 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), đến nay, địa phương đang thực hiện chuỗi giá trị về cây bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan cho nông dân địa phương.

 
Anh Katơr Thương, thành viên nhóm sở thích (thôn Chà Panh, xã Phước Hòa)
thoát nghèo từ đầu tư sản xuất cây bắp lai.

Đồng chí Katơr Tám, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phát triển xã Phước Hòa, cho biết: Địa phương có diện tích đất nông nghiệp trên 400 ha, ngay sau khi triển khai thực hiện Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã khảo sát và tập trung ưu tiên thực hiện Hợp phần chuỗi giá trị vì người nghèo; xây dựng kế hoạch để thực hiện các chuỗi giá trị về trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho các nhóm. Nhờ triển khai nhiều mô hình mới trong sản xuất giúp hộ nghèo cải thiện đời sống. Dựa trên thế mạnh, địa phương đã xác định phát triển chuỗi giá trị lúa, bắp và bò; trong đó, chuỗi giá trị bắp lai được xem là trọng tâm, bởi đây là cây trồng được bà con địa phương trồng từ nhiều năm nay. Trên cơ sở đó, qua khảo sát thực tế cũng như định hướng của DASU huyện, Ban Phát triển xã đã thành lập 2 nhóm sở thích chuyên trồng bắp lai, với sự tham gia của 40 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Quy mô sản xuất thí điểm ban đầu khoảng 20 ha giống bắp NK66. Khi tham gia, bà con chủ yếu góp công chăm sóc tương đương với 20% kinh phí đối ứng, còn lại 80% kinh phí do dự án tài trợ.

Để chuỗi giá trị bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngay sau khi thành lập, Ban Phát triển xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho các thành viên và nông dân về kỹ năng trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương. Dự án HTTN hỗ trợ giống, phân bón, kinh phí cải tạo... để các nhóm triển khai mô hình trồng bắp lai hiệu quả, đồng thời định hướng liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định sản phẩm. Nhờ đó, quy mô sản xuất từ 20 ha thí điểm bước đầu, đến nay diện tích trồng bắp lai được mở rộng lên 80 ha, bà con cũng đã chuyển dần từ trồng giống bắp địa phương sang các giống bắp lai 919, G49..., năng suất đạt bình quân 5-6 tấn/ha/vụ, với giá bán ổn định khoảng 5.000 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 10-15 triệu đồng/ha. Từ việc chuyển đổi sang canh tác cây bắp lai, nhiều hộ thành viên tham gia mô hình đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Anh Katơr Thương, thành viên nhóm sở thích trồng bắp lai thôn Chà Panh, chia sẻ: Trước đây toàn bộ 4,5 sào đất của gia đình chủ yếu là trồng bắp đá địa phương, cho năng suất thấp. Từ khi tham gia Dự án HTTN, được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn về kỹ thuật trồng bắp lai, nên qua các vụ sản xuất cây bắp lai cho năng suất đạt 5-6 tạ/sào/vụ, cao gấp 2 lần so với cây bắp địa phương, gia đình thu lãi gần 8 triệu đồng/vụ.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, Dự án HTTN không chỉ giúp địa phương hình thành được vùng chuyên canh chuỗi giá trị cây bắp lai, mà còn thu hút được đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là dự án đã hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vốn đầu tư giúp người dân từng bước thoát nghèo một cách bền vững, cải thiện cuộc sống. Để dự án tiếp tục phát triển, theo đồng chí Katơr Tám, thời gian tới, xã tập trung vận động nông dân nhân rộng chuỗi giá trị bắp lai, đồng thời hỗ trợ các nhóm sở thích kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để bà con mạnh dạn tham gia chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa.