Theo báo cáo của Ban Phát triển xã Phước Trung, toàn thôn Đồng Dày có 200 hộ; trong đó, đồng bào Raglai chiếm 95%. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do thôn nằm trong vùng “rốn” hạn của xã nói riêng và huyện Bác Ái nói chung, nên chịu ảnh hưởng xấu đến sản xuất. Vào mùa hạn nguồn nước duy nhất phục vụ trồng trọt ở hồ Phước Nhơn cạn kiệt làm cho hơn 100 ha đất nông nghiệp không canh tác được. Trước thực tế khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã đã tìm được hướng đi phù hợp với đặc thù khí hậu ở thôn, vừa khai thác tối đa thế mạnh vùng núi, đó là phát triển chăn nuôi bò đàn. Để thực hiện mục tiêu, xã chủ động đề xuất với huyện ưu tiên các nguồn vốn chương trình, dự án phát triển kinh tế miền núi đầu tư cho các hộ trong thôn thực hiện mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, chú trọng cải tạo giống nâng cao chất lượng đàn. Hoạt động chăn nuôi nhờ đó có nhiều chuyển biến tích cực, hiện nay tổng đàn bò ở thôn khoảng 500 con.
Anh Chamaléa Khen chăm sóc bò được hỗ trợ từ Dự án HTTN.
Chăn nuôi bò mang lại thu nhập cao, tuy vậy một số hộ nghèo thiếu con giống, không thể mở mang sản xuất, cuộc sống chậm được cải thiện. Để tạo sinh kế cho hộ nghèo, năm 2014, dựa trên định hướng các chuỗi phát triển của Dự án HTTN, xã thành lập nhóm cùng sở thích nuôi bò sinh sản thôn Đồng Dày, với 12 thành viên, trong đó hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa phần. Trên cơ sở đề xuất của nhóm, cuối năm 2014, từ nguồn vốn Dự án HTTN, DASU huyện cấp cho nhóm 6 con bò sinh sản, dòng lai sind với đặc điểm chịu được nắng nóng, khả năng kháng bệnh cao, tăng trọng nhanh. Anh Katơr Ninh, trưởng nhóm cho biết: Sau khi nhận bò, nhóm tổ chức họp và xây dựng quy chế chăn nuôi cụ thể đúng theo quy định của dự án đề ra. Cụ thể, khi hộ nuôi bò dự án sinh sản lứa đầu được 6 tháng thì giữ lại bê con và chuyển bò mẹ cho thành viên kế tiếp trong nhóm nuôi. Với hình thức nuôi xoay vòng này, đến nay, tất cả các thành viên trong nhóm đều được hưởng lợi. Anh Katơr Xuống thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng lúa, từ khi được DASU huyện hỗ trợ, anh có điều kiện phát triển sản xuất song hành cả chăn nuôi và trồng trọt. Các hộ nghèo khác như Chamaléa Phấn cũng đã có thêm thu nhập từ nuôi bò dự án, cuộc sống được nâng cao hơn trước nhiều.
Theo đánh giá chung, hoạt động của nhóm cùng sở thích nuôi bò sinh sản thôn Đồng Dày hiệu quả đó là nhờ các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, cách chăm sóc theo phương pháp mới. Điển hình như anh Chamaléa Khen sau khi nhận bò sinh sản từ hộ anh Xuống chuyển qua, đã quy hoạch vùng cây trồng phục vụ chăn nuôi. Cụ thể, anh chuyển 2 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Việc chủ động chuyển đổi cây trồng phục vụ chăn nuôi đã giúp bò phát triển nhanh tiếp tục sinh bê được 2 tháng tuổi, 4 tháng nữa anh Khen sẽ chuyển con mẹ cho hộ khác nuôi.
Có thể nói, mô hình nuôi bò sinh sản ở thôn Đồng Dày đã tạo sinh kế cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Để phát triển chăn nuôi thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn, nhóm đang xây dựng mô hình chế biến thức ăn thô cho bò, liên kết các thành viên “dồn điền” trồng cỏ. Nhờ đó, mặc dù khu vực chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nhưng đàn bò của nhóm vẫn phát triển nhanh, sinh sản đều đặn.
Anh Tùng