Từ sự hỗ trợ của Dự án HTTN đã giúp người dân xã Phước Hà có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi.
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.220 ha, mặc dù nằm đầu nguồn hồ Sông Biêu và Tân Giang, nhưng do hệ thống kênh mương chưa được đầu tư đồng bộ nên việc trồng trọt của người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế chăn nuôi gia súc được xem là thế mạnh của xã, với tổng đàn trên 3.900 con. Thực hiện Dự án HTTN, dựa vào điều kiện tự nhiên và định hướng của DASU huyện, Ban Phát triển xã đã tiến hành thành lập 7 nhóm sở thích (NST) chăn nuôi. Trong đó, có 5 NST nuôi bò và 2 NST nuôi cừu, với 105 hộ tham gia, phần lớn thành viên đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Để tạo điều kiện cho các hộ tham gia phát triển các chuỗi giá trị, thông qua Dự án HTTN, từ cuối năm 2013 đến nay, bằng các nguồn Quỹ CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng) và Quỹ CSG (Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh), dự án đã trực tiếp hỗ trợ 55 con bò cho 5 NST nuôi vỗ béo, hỗ trợ 135 con cừu sinh sản cho 2 NST chăn nuôi cừu; hỗ trợ xây dựng trên 50 chuồng trại, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…
Anh Lê Hữu Tân, thành viên Ban Phát triển xã, cho biết: Từ khi thực hiện Dự án HTTN, để nâng cao năng lực cho các NST, Ban Phát triển xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tại các thôn. Hằng tháng, mỗi nhóm đều tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm, báo cáo tình hình với Ban Phát triển xã để đưa ra phương pháp chăm sóc đàn vật nuôi được tốt hơn. Nhờ vậy, trong quá trình nuôi, hầu hết thành viên tham gia điều biết cách ủ, dự trữ phụ phẩm làm thức ăn, con giống được hỗ trợ đều phát triển tốt và sinh sản nhanh, tạo sự phấn khởi cho các hộ tham gia. Anh Bà Râu Núc, Trưởng nhóm nuôi bò thôn Giá, chia sẻ: Nhóm được thành lập từ tháng 10-2015, với 11 thành viên, khi chính thức đi vào hoạt động, được dự án ưu tiên hỗ trợ 7 con bò cho 7 hộ nghèo để thực hiện mô hình nuôi vỗ béo. Trong quá trình nuôi, nhờ được tập huấn nên các thành viên đã nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi tốt, không xảy ra dịch bệnh…
Với những hỗ trợ tích cực của Dự án HTTN đã góp phần tạo sự chuyển biến nhất định trong sản xuất, chăn nuôi của người dân, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đồng chí Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Phước Hà, cho biết: Trong thời gian tới, Ban Phát triển xã tiếp tục duy trì hiệu quả các NST, chủ động liên kết với các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Hồng Lâm