DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Liên Sơn 2: Phát huy hiệu quả mô hình liên kết nhóm sở thích nuôi bò Heifer

(NTO) Liên Sơn 2 là một trong 5 thôn của xã Phước Vinh (Ninh Phước) được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Với cách làm phù hợp, cùng sự đồng thuận, tích cực của người dân khi trực tiếp tham gia vào dự án, Ban Phát triển xã đã triển khai khá thành công mô hình liên kết nhóm sở thích (NST) nuôi bò Heifer, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Thôn Liên Sơn 2 hiện có 392 hộ dân, với 1.805 nhân khẩu; đồng bào dân tộc Raglai chiếm hơn 98% dân số. Nhận thấy thế mạnh của thôn phù hợp với việc phát triển chuỗi giá trị nuôi bò và tạo nguồn sinh lợi về lâu dài cho người dân nên khi triển khai thực hiện Dự án HTTN, Ban Phát triển xã Phước Vinh đã hướng dẫn thôn thành lập NST nuôi bò theo mô hình Heifer, với sự tham gia của 25 hộ thành viên; trong đó có tới 21 thành viên là hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo và cận nghèo ở địa phương.

Đàn bò Heifer của hộ anh Mang Khoái.

Anh Võ Minh Tân, Trưởng NST nuôi bò Heifer của thôn, cho hay: Đầu năm 2014, NST của chúng tôi được Dự án HTTN bàn giao 10 con bò sinh sản. Nhận được bò, thành viên trong nhóm ai nấy đều phấn khởi và coi đây như là con giống ban đầu được Nhà nước hỗ trợ để bà con luân phiên chăm sóc, dần dà có nguồn thu nhập tích lũy. Nhóm đã tổ chức bốc thăm chọn ra 5 hộ thành viên nuôi trước, mỗi hộ 2 con bò cái, đến khi sinh sản, hộ nuôi sẽ giữ lại bò mẹ và bàn giao 2 bò cái như ban đầu đã nhận nuôi chuyển cho hộ thành viên tiếp theo nuôi. Hiện nay, có hộ như: Mang Khá, Mang Thị Thiêu và Mang Khoái đã có bò đẻ trên 4 tháng tuổi; 2 hộ còn lại là Mang Dẹp và Mang Tiến, bò cũng chuẩn bị vào thời kỳ sinh sản. Riêng hộ anh Mang Khoái thì bò mẹ sinh được 2 con cái và chuẩn bị bàn giao con giống cho hộ kế tiếp nuôi hưởng lợi.

Sau khi thăm một lượt đàn bò Heifer của các hộ nhận nuôi đầu tiên, để thấy được lợi tức của việc nuôi bò theo NST Dự án HTTN, anh Tân tính toán: Bò cái mà Dự án hỗ trợ cho nhóm ở thời điểm triển khai mô hình có giá từ 13-15 triệu đồng/con. Chừng hơn 1 năm nuôi sinh sản, với một cặp bò mẹ mà hộ thành viên được sở hữu sau khi đã bàn giao bê con cho các hộ kế tiếp thì giá bán cũng từ 36-40 triệu đồng, định theo giá thị trường hiện nay. Đây cũng chính là phần lãi hoàn toàn mà các hộ này nhận được, từ đó có điều kiện để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Đối với hộ trung bình nếu nhận nuôi bò theo mô hình này thì về lâu dài có khả năng phát triển bò đàn quy mô nhỏ.

Nói về hiệu quả mang lại từ mô hình liên kết trong chăn nuôi bò Heifer của Dự án HTTN, ông Nguyễn Thái Vinh, Trưởng thôn Liên Sơn 2 nhìn nhận: Điều đáng nói về mô hình nuôi bò Heifer của Dự án HTTN triển khai là ngoài giá trị về kinh tế đem lại cho hộ nghèo thì mô hình còn có ý nghĩa lớn hơn. Đó là tham gia NST của Dự án HTTN, đồng bào Raglai trong thôn bước đầu làm quen với mô hình liên kết trong chăn nuôi và được trang bị kiến thức về nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, cách phòng và nhận biết một số bệnh trên đàn gia súc. Đặc biệt, với nghề nuôi bò khá phát triển ở Phước Vinh nói chung, thôn Liên Sơn 2 nói riêng thì người dân không còn nỗi lo bị thương lái ép giá vì thông qua Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã liên kết với cơ sở thu mua cam kết “bao tiêu” sản phẩm chăn nuôi của NST và từng bước tiến tới hỗ trợ đầu ra cho các hộ chăn nuôi ở địa phương. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để bà con mở rộng quy mô phát triển, nâng cao chất lượng cũng như giá trị kinh tế, cải thiện cuộc sống.