Tác động phát triển sản xuất nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Tăng thu nhập cho người dân và giảm hộ nghèo đa chiều được coi là các tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Để làm được điều này, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân; tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và các hình thức liên kết giữa các nông hộ với doanh nghiệp.

Theo Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tiến hành rà soát để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp cấp huyện và cấp tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, ổn định. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng các địa phương vận động các nông hộ chuyển đổi từ đất lúa sang trồng các loại cây trồng tiết kiệm nước, đặc biệt là các loại cây trồng cạn tại các vùng sản xuất thuộc hệ thống tưới các hồ, các vùng gò không đủ nước tưới. Cụ thể, từ đất trồng lúa kém hiệu quả, các huyện thực hiện chuyển đổi sang các cây trồng khác như Ninh Sơn 160,8 ha, Ninh Phước 207 ha, Ninh Hải 130 ha và Thuận Bắc 247,55 ha. Tìm hiểu tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc), chúng tôi được anh Nguyễn Văn Lăng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Để nâng thu nhập cho người dân, Bắc Phong đang tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước; từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng cạn và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao.

 
Nhờ chuyển đổi sang trồng măng tây xanh, nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/sào/tháng.

Đối với việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, có thể kể mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa được nhân rộng lên 4.284 ha tại các xã; mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau an toàn với diện tích 280 ha; mô hình trồng táo, nho kết hợp với nuôi dê, cừu vỗ béo; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, táo… Về liên kết với doanh nghiệp, các nông hộ đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất 274 ha bắp giống; trồng 9 ha cây nha đam, 20 ha cây măng tây xanh, 20 ha lúa sạch; triển khai thí điểm cánh đồng lớn 180,6 ha (60 hộ tham gia) sản xuất mía ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Tại xã Phước Vinh (Ninh Phước), nông dân duy trì mô hình liên kết nuôi heo tập trung quy mô từ 600-2.000 con/trại, nuôi gà đẻ chuồng lạnh tập trung quy mô 20.000 con/trại (hiện có 6 trại).

Bên cạnh đó, việc tổ chức rà soát và củng cố hoạt động các hợp tác xã (HTX), trang trại, tổ hợp tác trên địa bàn được các địa phương chú trọng duy trì và có bước phát triển mới. Đơn cử tại xã Phước Hậu (Ninh Phước), từ thí điểm cánh đồng lớn sản xuất lúa giống quy mô 56 ha vụ hè-thu và 100 ha vụ mùa theo phương thức liên kết, thông qua hợp đồng ký kết với HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các nông hộ, nhờ vậy năng suất lúa bình quân đạt 73,5 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân toàn huyện 6,5 tạ/ha. Việc tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất đã góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, làm thay đổi tập quán sản xuất, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương. Điển hình ở xã An Hải (Ninh Phước), trao đổi với chúng tôi, anh Trần Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người ở An Hải đã nâng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Đình Trưng, cán bộ chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh, do yêu cầu của tiêu chí thu nhập hằng năm tăng với mức bình quân 4 triệu đồng/người/năm nên rất nhiều xã không duy trì được tiêu chí này, kể cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tương tự đối với tiêu chí hộ nghèo, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, nhiều xã cũng không đạt, nhất là những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đơn cử một số xã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 giờ không đạt tiêu chí này gồm: Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Công Hải, Bắc Phong (Thuận Bắc), Phước Nam (Thuận Nam), Phước Thái (Ninh Phước). Vì vậy, để tăng thu nhập người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, các xã đang chủ động huy động, lồng ghép nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải tạo nhà ở… như dự án nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, chăn nuôi gà; liên kết với doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động địa phương; vận động, hỗ trợ vay vốn cải tạo nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát.

Dù còn nhiều cản ngại cần vượt qua, song tin rằng nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển ngành nghề, có khả năng vào cuối năm nay số xã đạt tiêu chí thu nhập và giảm hộ nghèo đa chiều sẽ tăng hơn. Nhìn chung, với việc mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, các xã trong tỉnh đang thể hiện quyết tâm nâng chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.