Nông nghiệp công nghệ cao khởi sắc

(NTO) Năm 2017, với sự nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương, nông dân trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chuyển biến rõ nét nhất là dần hình thành những vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị với các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Xác định đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là giải pháp đột phá nhằm tăng giá trị gia tăng và sản xuất bền vững, năm nay ngành chức năng, các địa phương bám sát kế hoạch của tỉnh, thực hiện quyết liệt những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho nông dân, cũng như đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sâu rộng để tạo thuận lợi cho áp dụng các mô hình khoa học- công nghệ. Hàng loạt các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ban hành trong năm 2017 đã thu hút mọi thành phần xã hội tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thành công từ triển khai Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) minh chứng điều đó. Mô hình nhanh chóng được nhân rộng từ 50 ha ở vụ hè - thu tăng lên 100 ha trong vụ mùa 2017, cho thấy hoạt động nông nghiệp công nghệ cao đang dần khởi sắc.

 
Thành công từ mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống triển khai trong vụ hè - thu năm 2017 ở xã Phước Hậu (Ninh Phước)
mở ra triển vọng mới cho hoạt động nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Anh Tùng

Không dừng lại đó, việc khai thông về cơ chế, chính sách thông thoáng cũng đã khuyến khích một số doanh nghiệp đến tỉnh ta đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Dù quy mô chưa lớn, nhưng hiệu quả kinh tế từ Trang trại trồng lan trong nhà màng ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) của Doanh nghiệp tư nhân Phan Thanh Sang đến từ Đà Lạt (Lâm Đồng) có tác dụng khuyến khích nông dân áp dụng mô hình vào sản xuất các loại cây trồng đặc thù của tỉnh. Anh Nguyễn Văn Quy ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải), cho biết: Lâu nay nông dân chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất do không nắm vững kỹ thuật, khả năng tài chính hạn hẹp. Qua tham quan, học hỏi từ các mô hình triển khai trên địa bàn tỉnh, tôi quyết định trồng thử nghiệm 3 sào nho trong nhà màng kết hợp sử dụng hệ thống tưới tự động 2 tầng vào đầu năm tới, sau đó mở rộng lên 1 ha, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có thể nói, sau thời gian triển khai, đến nay thông qua tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, cả nông dân và doanh nghiệp đều nhìn nhận phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2017, đánh dấu bước phát triển mới trong thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao là tỉnh đã mời gọi được một số doanh nghiệp tiên phong đi đầu để nông dân học hỏi làm theo. Đơn cử, Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt điều khiển tự động ở vùng sản xuất nho rượu tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) quy mô 22 ha; Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận triển khai mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm quy mô 8 ha ở xã An Hải (Ninh Hải) tạo được hiệu ứng tích cực để nông dân trong khu vực làm theo. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 trên địa bàn tỉnh triển khai 44 mô hình tưới tiết kiệm nước công nghệ Israel, với diện tích 335 ha, nâng tổng số diện tích tưới lên 979 ha. Hiệu quả từ sử dụng công nghệ tiến tiến đã khắc phục khó khăn về nước tưới ở những vùng khô hạn, qua đó khai thác được tiềm năng, lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù của tỉnh như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, lô hội…

Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng Chương trình nông nghiệp công nghệ cao sẽ phát triển lên tầm cao mới, khi trong năm 2017, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khởi công Dự án “Xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh” tại xã Phước Tiến (Bác Ái) có tầm chiến lược dài hạn. Đây là mô hình liên kết chặt chẽ giữa đào tạo, thực hành cho cán bộ và nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thành công trong năm 2017 tạo đà để năm tới thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở phạm vị rộng hơn, với các quy trình công nghệ đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng nông sản của tỉnh trên thị trường. Hiện tại, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển 14 cánh đồng lớn, với quy mô 1.424 ha trong năm 2018; đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.