Trong đó, vụ đông-xuân 1.293,7 ha, vụ hè-thu 702 ha, vụ mùa 90 ha. Kết quả bước đầu trong thực hiện chương trình cho thấy đây là hướng đi thích hợp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Trần Quốc Tĩnh ở xã Xuân Hải (Ninh Hải)
trồng măng tây xanh trên đất lúa kém hiệu quả, cho thu nhập cao.
Định hướng Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2017 là tiếp tục giảm tỷ trọng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Để kích cầu phát triển những cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, hỗ trợ giống mới, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Bám sát nội dung chỉ đạo, ngành chức năng, các địa phương đã thực hiện đồng bộ những giải pháp hỗ trợ nông dân kịp thời, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Là huyện được đánh giá làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thuận Bắc sớm xác định loại cây trồng chủ lực, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Để nông dân an tâm chuyển đổi, ngay từ đầu năm, huyện tổ chức các cuộc hội thảo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ cách làm linh hoạt, đến nay, trên địa bàn huyện hình thành vùng sản xuất măng tây xanh, bưởi da xanh là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân ở vùng khô hạn.
Thực tế từ nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng triển khai sâu rộng trong thời gian qua, đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, lấy doanh nghiệp làm đầu mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Khoa học và công nghệ, cơ giới được áp dụng rộng rãi ở các vùng chuyển đổi cây trồng cạn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương khảo sát, đề xuất tỉnh tôn vinh các mặt hàng nông sản đặc thù để tập trung cho việc đầu tư hỗ trợ sản xuất có trọng tâm, trọng điểm, tránh thực hiện các mô hình dàn trải, nhỏ lẻ. Từ xác định sản xuất hàng hóa chủ lực, năm nay có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực nông nghiệp so với trước, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong canh tác các loại cây trồng đặc thù ở những vùng chuyển đổi ngày càng khắng khít. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp không còn dè dặt như trước đây, mà đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng. Tại huyện Ninh Hải, Công ty TNHH Trí Nông cung ứng vật tư, phân bón cho nông dân xã Nhơn Hải sản xuất 20 ha ớt, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang cũng đầu tư mạnh cho nông dân xã Xuân Hải sản xuất 4,6 ha mía ở khu vực hồ Thành Sơn.
Công tác chuyển đổi cây trồng năm 2017 được đánh giá có sự đổi mới trong điều hành, chỉ đạo, khi tỉnh để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn cây trồng thế mạnh thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu vào sản xuất làm tăng giá trị đơn vị diện tích, phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường. Với phương châm “Để nông dân tự làm chủ trên đồng đất của mình” đã khơi dậy được tinh thần sáng tạo trong lao động, sản xuất của bà con. Qua đó, xuất hiện những gương nông dân làm kinh tế giỏi, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu như anh Trần Quốc Tĩnh ở xã Xuân Hải tiên phong trồng măng tây xanh trên đất lúa kém hiệu quả, cho thu nhập cao. Thành công trong sản xuất của anh tạo cơ sở để huyện Ninh Hải quy hoạch vùng sản xuất măng tây xanh tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy mô 70 ha.
Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, nhìn nhận: Thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng năm 2017 gặp một số khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khu vực nằm trong kế hoạch chuyển đổi không thực hiện được do mưa nhiều. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của ngành chức năng, các địa phương và sự vào cuộc tích cực của nông dân, doanh nghiệp, chương trình đã đạt được mục đích chính đề ra là hình thành những vùng cây trồng tập trung, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây. Các mô hình được bố trí ở nhiều vùng sản xuất khác nhau, giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác mới, một số nơi thực hiện mô hình luân canh cây trồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả sử dụng đất. Kết quả đáng mừng tạo đà để toàn tỉnh tiếp tục mở rộng quy mô chuyển đổi cây trồng thích ứng với biển đổi khí hậu trong năm 2018.
Anh Tùng