Nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, nhất là phát huy năng lực tưới của hồ Sông Trâu, Bà Râu, huyện Thuận Bắc xác định phải tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Phát triển mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Công Hải (Thuận Bắc). Ảnh: B.T
Theo hướng đó, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong năm qua, huyện Thuận Bắc đã tổ chức gieo trồng đạt tổng diện tích 12.036 ha/11.385 ha, vượt 5,7% kế hoạch, sản lượng lương thực đạt 51.230 tấn/40.825 tấn, vượt 25,5% kế hoạch; so với cùng kỳ năm trước tăng 21,92% về diện tích và tăng 37,7% về sản lượng. Nông dân trong huyện đã từng bước áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống xác nhận, sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, mô hình tưới tiết kiệm... Đặc biệt đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 247,55 ha, trong đó chuyển đổi vụ đông-xuân 146,5 ha, vụ hè-thu 90,65 ha và vụ mùa 10,4 ha. Qua chuyển đổi cây trồng, hiệu quả kinh tế mang lại tăng cao, đơn cử thu nhập từ cây đậu xanh tăng 1,6 lần so với cây lúa; cây dưa hoàng kim cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha và cây bắp cho lợi nhuận 7,9 triệu đồng/ha.
Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, điểm đáng chú ý là việc tập trung nhân rộng hiệu quả các mô hình trồng trọt như: Măng tây xanh, bưởi da xanh, mãng cầu dai. Ở mô hình trồng măng tây xanh, từ diện tích chuyển đổi 1,4 ha đã nhân rộng lên 4,7 ha, qua đánh giá sơ bộ nông dân trồng có thu nhập bình quân 10 triệu đồng/sào/tháng, cá biệt có hộ còn thu cao hơn. Anh Võ Mạnh Thanh, 54 tuổi, ở thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong, Thuận Bắc), có 1,5 sào đất trồng măng tây xanh cho biết: Tôi đã thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tháng liên tục, trừ chi phí bình quân tôi thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Về cây mãng cầu dai, cũng ở Mỹ Nhơn có hộ ông Huỳnh Văn Thiện trồng 0,4 ha, dù vụ đầu ngập nước vẫn thu nhập 25 triệu đồng. Đối với mô hình trồng bưởi da xanh (diện tích 2,5 ha), qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay bưởi đang phát triển bình thường. Trong đợt theo đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh tham quan vùng chuyển đổi cây trồng ở xã Công Hải (Thuận Bắc), chúng tôi đã có dịp đến vườn bưởi của ông Nguyễn Thái Hưng, thôn Hiệp Kiết và nghe ông chia sẻ: Trước khi huyện triển khai mô hình, tôi đã trồng 40 gốc bưởi trên 3 sào đất được 4 năm, bưởi đang cho trái rất đẹp, tôi tin rằng một ngày nào đó ở đây sẽ là vùng chuyên canh bưởi nổi tiếng.
Qua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện Thuận Bắc đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các địa phương đã thành lập được các tổ sản xuất, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thống nhất giá sàn đối với các sản phẩm cây trồng cạn nên người dân yên tâm sản xuất. Cụ thể trong sản xuất lúa giống, Tổ hợp tác Hiệp Kiết, xã Công Hải đã tổ chức liên kết sản xuất 140 ha lúa giống với Công ty Giống cây trồng Đông Nam. Các xã Công Hải và Bắc Phong có 2 tổ sản xuất hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát đã ổn định giá sàn của đậu xanh là 20.000 đồng/kg và mè đen 30.000 đồng/kg. Các xã Bắc Phong và Lợi Hải có 2 tổ nhóm măng tây xanh liên kết sản xuất quy mô 3 ha với Công ty TNHH Măng tây xanh Linh Đan, dự kiến trong thời gian đến sẽ mở rộng thêm diện tích. Đặc biệt, qua liên kết với Nhà máy Đường Biên Hòa-Phan Rang, huyện đang triển khai cánh đồng lớn cho cây mía, bước đầu có 30 ha, sau đó nhân rộng lên quy mô 100 ha, được áp dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại vào sản xuất từ khâu làm đất, trồng, bón phân đến sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Thuận Bắc đã kêu gọi Công ty Cổ phần Nông nghiệp R&D đầu tư lò giết mổ tập trung tại thôn Suối Đá (xã Lợi Hải); đồng thời xây dựng 2 thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các ngành chuyên môn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững và kêu gọi đầu tư dự án nuôi bò sữa và bò thịt chất lượng cao tại xã Bắc Phong, từ đó liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Nhìn chung, năm qua, huyện Thuận Bắc đã tạo ra bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng. Năm 2018, tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thuận Bắc tập trung chuyển đổi 215,6 ha cây trồng, trong đó có 152,9 ha cây hàng năm, 62,7 ha cây lâu năm và cây ăn quả; xây dựng cánh đồng lớn (180 ha cánh đồng lúa và 100 ha cánh đồng mía). Về chăn nuôi, trọng tâm là phát triển thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc. Với đột phá mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Thuận Bắc đang từng bước giúp nông dân có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Bạch Thương