(NTO) Như thông lệ vào những tháng cuối năm, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ninh Sơn lại tất bật với vụ thu hoạch bắp trên núi cao. Những con đường mòn vắt vẻo trên núi thường ngày vắng bóng người qua lại, nay lại trở nên nhộn nhịp với hàng dài người từ trẻ đến già mang trên mình chiếc gùi to đầy ắp bắp đưa xuống núi để bán cho thương lái. Đối với người dân, mùa bắp này đem lại cho bà con rất nhiều niềm vui bởi bắp được mùa, nhờ vậy mà đời sống của đồng bào cũng sung túc hơn.
Anh Sarăng Hành phấn khởi vì vụ bắp được mùa.
Ninh Sơn hiện có 1.078 ha rẫy trồng bắp, trong đó diện tích do đồng bào Raglai tại các xã Ma Nới, Lâm Sơn và Lương Sơn trồng trên nương, rẫy chiếm khoảng 1/3. Nhiều hộ cho biết, vụ bắp năm nay được mùa, đạt năng suất cao, thương lái thu mua với giá 4.800 đồng/kg bắp lai và 10.000 đồng/kg bắp nếp (cao hơn mùa vụ trước 100 đồng/kg) nên bà con có lãi khá. Đến xã Ma Nới hỏi chuyện được mùa bắp, bà con rất phấn khởi bởi nhà nào cũng đầy ắp bắp. Chị Dơ Ngó Bông, thôn Ú chia sẻ: Mình trồng 5 sào bắp lai và 1 sào bắp nếp, thu hoạch được 2,4 tấn, thu nhập được 14 triệu đồng. Đây là vụ bắp đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay. Rời xã Ma Nới, chúng tôi đến xã Lâm Sơn thăm nhà anh Sarăng Hành, thôn Lập Lá, một trong những nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Vừa đến nơi cũng là lúc anh tranh thủ đổ hơn 20 bao hạt bắp ra sân nhà phơi. Anh nói: Nhà mình có 4 sào bắp lai trồng trên núi Hòn Đất, năm nay, mưa thuận gió hòa, cây bắp lớn nhanh, năng suất đạt 4 tạ/sào, nhiều hơn vụ trước gần 2 tạ/sào, mình vui lắm. Bán xong bắp, có tiền gởi cho hai con đang học cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, năm nay, thời tiết thuận lợi và không xuất hiện sâu bệnh, nên hầu hết diện tích trồng bắp đều được mùa. Tuy nhiên, đa phần đất sản xuất của bà con dân tộc Raglai ở trên triền núi còn phụ thuộc vào nước trời, nên năng xuất có thấp hơn các vùng chủ động nước từ 2,5- 3 tạ/sào. Những năm gần đây, chính quyền địa phương rất chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cũng như thu nhập, nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương đạt thêm tiêu chí về thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới...
Lê Thi