Nông dân Ninh Sơn "điêu đứng" vì trồng gừng trâu!

(NTO) Việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa, mất giá, đồng thời hướng đến sản xuất và cung cấp nông sản sạch cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, các nông hộ trồng gừng trâu trên địa bàn huyện Ninh Sơn đang “điêu đứng” vì sự liên kết này.

Hiện nay, trên địa bàn 3 xã: Lương Sơn, Quảng Sơn, Tân Sơn (Ninh Sơn) có 8 hộ dân liên kết với Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam (Cơ sở chính tại tỉnh Đắk Lắk) để trồng 110.000 bầu gừng trâu trên diện tích 2,25 ha. Theo hợp đồng đầu tư và bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông hộ, công ty này sẽ cung cấp giống gừng, phân vi sinh, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, kỹ sư hướng dẫn, bao nilon cho nông dân, với tổng kinh phí nông dân phải trả là 218 triệu đồng/10.000 bầu gừng. Nếu trong 3 tháng đầu mà gừng bị bệnh, chết thì công ty sẽ cung cấp thêm giống, phân thuốc cho nông dân trồng lại và nông dân sẽ không phải bỏ thêm khoản chi phí nào. Đồng thời, công ty cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra với sản lượng tối thiểu là 25 tấn/10.000 bầu gừng trong một mùa vụ, giá thu mua 18.000 đồng/kg. Trường hợp không đủ sản lượng nêu trên thì công ty sẽ bù để đạt sản lượng tối thiểu... Căn cứ theo hợp đồng, sau 9 tháng trồng, nông dân sẽ thu được tối thiểu 450 triệu đồng/10.000 bầu gừng, trừ chi phí, nông dân sẽ nắm chắc trong tay mức lãi tối thiểu là 232 triệu đồng. Trước mức lợi nhuận quá hấp dẫn đó, các nông hộ đã mạnh dạn đầu tư với số vốn khá lớn để trồng thử nhằm “tìm hướng đi mới” phát triển kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, theo những nông hộ này, cây gừng sau khi trồng vài tháng thì tỷ lệ cây bị chết từ 20-50%. Khi liên hệ với công ty để được hỗ trợ theo như hợp đồng thì... không thể liên lạc được.

 
Một số cây gừng đã gần thu hoạch, nhưng củ bị hư, nông dân đành phải nhổ bỏ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thúy (khu phố 2, thị trấn Tân Sơn), bức xúc: Từ trước đến giờ, gia đình tôi chỉ trồng lúa, sau khi nghe có mô hình trồng gừng trâu đem lại lợi nhuận cao, gia đình đã vay ngân hàng 100 triệu đồng và mượn thêm bà con trong nhà 70 triệu đồng để đầu tư trồng thử. Hiện tại, gia đình tôi đang trồng 10.000 bầu gừng trâu trên diện tích 2,3 sào từ tháng 5-2017. Tôi đã trả trước cho Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam 90 triệu đồng và phải đầu tư thêm 130 triệu đồng để thuê đất, lắp hệ thống tưới phun, lưới che phủ... Tuy nhiên, đến nay đã chết hơn 7.000 bầu gừng, gia đình tôi rất cần được công ty hỗ trợ giống mới và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để giảm thiểu việc cây trồng chết ngày càng nhiều, nhưng không thể liên lạc được với công ty. Cũng bị tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Linh (khu phố 2, thị trấn Tân Sơn) bộc bạch: Ngoài tiền vốn của gia đình, tôi đã vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư trồng 20.000 bầu gừng, sau 1 tháng đã chết hơn 5.000 bầu, kỹ sư hướng dẫn thì nghỉ việc, công ty thì không liên hệ được. Tôi mong muốn được gặp lãnh đạo công ty để có câu trả lời về việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng đã ký.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thế Thanh, Trưởng Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam tại Ninh Sơn cho biết: Tôi chỉ là nhân viên được công ty thuê để làm đại diện chi nhánh tại đây, nên không thể trực tiếp giải quyết các vướng mắc của bà con được, mà chỉ có thể tiếp thu và phản ảnh lại với công ty. Tôi đã liên hệ với công ty để đề nghị hỗ trợ cho bà con nhưng cũng không liên lạc được!.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gừng trâu là giống cây trồng mới, chưa qua trồng khảo nghiệm trên địa bàn huyện nên chưa có đánh giá cụ thể về năng suất cũng như tỷ lệ rủi ro, vì vậy, chủ trương của huyện là không khuyến khích nông dân trồng đại trà. Việc liên kết này là hoàn toàn “tự phát” giữa doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vẫn phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây trồng để có hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân tránh được dịch bệnh.

Trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này, hơn ai hết bà con trồng gừng nơi đây đang rất trông chờ tin tức từ phía Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản sạch Việt Nam và sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với công ty này để bà con có thể đảm bảo được quyền lợi của mình sau khi ký hợp đồng liên kết. Qua sự việc trên đây, thiết nghĩ, không chỉ các nông hộ đang trồng gừng tại Ninh Sơn, mà bà con nông dân nói chung cần cân nhắc, tìm hiểu thông tin đầy đủ trước khi quyết định hợp tác sản xuất, nhất là đối với những giống cây trồng mới chưa được trồng khảo nghiệm tại địa phương để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.