Ghi nhận qua 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 68 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với trên 30.150 thành viên và các HTX này đều chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chiếm đa số với 48 HTX; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có 6 HTX; vận tải có 3 HTX; kinh doanh tổng hợp có 8 HTX và tín dụng có 3 quỹ tín dụng nhân dân.

Từ những kết quả đáng ghi nhận...

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ giữa năm 2013 đến nay, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, nhiều HTX kiểu mới được thành lập, củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động đã phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Nhiều mô hình như “1 phải,

5 giảm”; xây dựng cánh đồng lớn; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình sản xuất rau an toàn... đã thích nghi với điều kiện thực tế ở địa phương; đồng thời, bước đầu hình thành được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, giúp người dân dần thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất cũ để từ đó các thành viên ngày càng chủ động, phát huy vai trò làm chủ trong việc liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Doanh thu bình quân năm 2017 của mỗi HTX ước đạt 1,9 tỷ đồng, tăng 35,7% so với năm 2013; lợi nhuận bình quân 180 triệu đồng/HTX, tăng 38,5% và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 32 triệu đồng/năm, tăng 39,1% so với năm 2013. Vị trí của kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của tỉnh, từ 7,01% (năm 2012) lên 7,78% (năm 2016) trong tổng GRDP của tỉnh.

 
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đô Vinh (phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)
đã đạt năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2017 từ 6,5-7 tấn/ha. Ảnh: Mai Dũng

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi, chủ động liên kết với các doanh nghiệp giúp người dân mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất bắp lai giống và được bao tiêu 100% sản phẩm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) đã tạo được chỗ dựa vững chắc cho các thành viên. Ông Lê Phúc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2015 đến nay, HTX đã ký hợp đồng với các nông hộ ở 2 thôn Phước An 1, Phước An 2 (xã Phước Vinh) và các Công ty Giống cây trồng như: Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam để tổ chức sản xuất bắp giống. Riêng trong vụ đông xuân 2016-2017, tổng diện tích trồng bắp giống của các thành viên trong HTX trên 250 ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha, điều này đã góp phần giúp nông dân và HTX đều có lãi cao... Cùng với đó, một số mô hình HTX được thành lập mới thông qua tài trợ của các tổ chức quốc tế, hoạt động theo chuỗi giá trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như HTX Dịch vụ Tầm Ngân (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn) được KOICA và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) tài trợ, chuyên trồng ớt với tổng diện tích trên 15 ha, hoạt động theo mô hình sản xuất khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, HTX còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến ớt với công suất sơ chế khoảng 200 tấn ớt tươi/năm, tương đương 50 tấn ớt khô/năm, tổng kinh phí đầu tư khoảng 12,6 tỷ đồng, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt của các thành viên.

...Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy để các HTX phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức lại HTX trong thời qua ở một số nơi còn hình thức, chưa thật sự tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc theo quy định của Luật HTX, nhiều thành viên không góp vốn, chủ yếu được phân bổ từ vốn quỹ của HTX cũ chuyển sang, chưa xác lập được danh sách thành viên, chưa cấp giấy chứng nhận góp vốn, chưa xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc có phương án nhưng không khả thi, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định, dẫn đến khó khăn trong tổ chức, quản lý và hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, đa số các HTX có vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, không bảo đảm điều kiện vay vốn ngân hàng; khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, một số HTX chưa xây dựng được chuỗi liên kết, hiệu quả kinh tế của HTX thiếu ổn định, hoạt động cầm chừng. Việc liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít, chủ yếu là HTX mới thành lập thời gian ngắn, chưa đủ cơ sở đánh giá để nhân rộng.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn sâu kỹ về Luật HTX năm 2012 nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân hiểu rõ bản chất của mô hình HTX kiểu mới, hiểu rõ các giá trị, nguyên tắc hoạt động, vai trò lợi ích của tổ chức HTX trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận vốn, nhất là các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, xây dựng và phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị kinh tế cao, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX và xây dựng cánh đồng lớn, đặc biệt ở các địa phương, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung...