Ngâm mai bán Tết
Những ngày đầu tháng Chạp, dọc ven bờ sông Dinh (khu vực phường Đạo Long), Tp. Phan Rang-Tháp Chàm được phủ lên những gốc mai chờ lộc. Bờ sông trơ trọi, trống vắng cả năm trở nên nhộn nhịp hơn với hàng trăm gốc mai rừng được cắm chờ Lộc đón tết. Cả năm chỉ có những ngày cuối năm nhưng ngâm mai bán Tết cũng được xem là một nghề làm ăn hiệu quả được nhiều người dân lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Mười, phường Đạo Long cùng với 2 đứa cháu đang cặm cụi ngồi vặt lá những nhành mai mới chặt về để ngâm xuống nước. Chị cho biết, nhà chị làm nghề này đã nhiều năm. Cứ vào khoảng mùng 6, mùng 7 tháng Chạp là bắt đầu đi chặt mai, ngâm cho đến khi nào bung nụ, nảy lộc… Thường thì người chặt mai, ngâm mai phải dựa vào kinh nghiệm để canh thời gian sao cho mai nở đúng dịp tết, những cành mai nở sớm hoặc muộn hơn đều coi như bỏ đi. Dọc theo bờ sông Dinh có khoảng vài chục hộ cắm mai. Những ngày này họ ăn ngủ luôn tại bờ sông để trông mai. Trung bình mỗi cành mai bán với giá khoảng 200 – 300 ngàn đồng, thì cả mùa Tết sau khi trừ đi mọi chi phí có thể thu được 2-3 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ với những người dân lao động.
Đánh bóng đồ đồng
Đánh bóng đồ đồng.
Năm mới, nhà cửa và mọi vật dụng trong nhà cũng đều được sắm sửa mới. Việc lau dọn, sơn mới nhà cửa, đồ đạc trong nhà trở thành truyền thống của người dân Việt Nam. Và cũng từ thói quen này mà ở Phan Rang lại hình thành một nghề vào những ngày áp Tết: nghề đánh bóng đồ đồng. Bắt đầu từ khoảng 15, 16 tháng Chạp, hầu hết những tiệm nhôm– kính, sơn… đều tạm thời gác lại những công việc quen thuộc cả năm để chuyển sang nhận đánh bóng đồ đồng. Chỉ riêng trên đường 21Tháng 8, đã có gần chục điểm đánh bóng đồ đồng thuê. Đến thăm tiệm Nhôm– kính: Vinh Vũ trên đường Quang Trung, chúng tôi được bà chủ cho biết: Cứ vào khoảng 17 tháng Chạp là tiệm bắt đầu nhận đèn thờ, lư hương…và tất cả những vật dụng bằng đồng có nhu cầu đánh bóng. Năm nào cũng vậy nên nhiều người trở thành khách quen. Tiệm còn nhận đến tháo gỡ và nhận, giao hàng tận nhà…Nhìn những người thợ miệt mài và những cặp chân đèn, lư hương… bằng đồng sau một hồi lại trở nên sáng loáng như mới để càng cảm nhận không khí Tết rất gần. Tùy theo độ mới, cũ và kích cỡ của vật dụng, nhưng trung bình mỗi bộ chân đèn thờ đánh bóng có giá từ 100 đến 200 ngàn đồng. Như vậy, chỉ tính riêng trong những ngày áp tết với việc đánh bóng này các tiệm cũng có được một khoản thu nhập đáng kể, và các gia đình cũng có những vật dụng mới để đón Tết.
Bích Thủy - Nguyễn Phương