Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù Ninh Thuận (Chỉ dẫn địa lý có “Cừu Ninh Thuận”, “Nho Ninh Thuận”; nhãn hiệu tập thể có “Tỏi Phan Rang”, “Nước mắm Cà Ná”; nhãn hiệu chứng nhận có “Dê Ninh Thuận”, “Tôm giống Ninh Thuận”,...) gắn với việc ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tạo liên kết chuỗi giá trị nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, đáp ứng “lợi ích kép” vừa giúp người tiêu dùng có sự lực chọn sản phẩm chất lượng, vừa giúp cho nông dân cung cấp các sản phẩm an toàn, chiếm thị phần và nâng cao thu nhập.

Điểm bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thái Thuận.
Mở đầu với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng lợi thế của vùng, tiết kiệm nước, có giá trị kinh tế cao, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động tại chỗ, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác có hiệu quả, tiết kiệm nước ước đạt 2.921ha, vượt 45,8% so mục tiêu (2.000ha). Sau chuyển đổi, giá trị sau thu hoạch cao hơn nhiều so với trồng lúa, điển hình đối với cây hằng năm như đậu các loại lợi nhuận thu được ước tính cao gấp 4-6 lần; bắp giống, lợi nhuận thu được ước tính cao gấp 3-4 lần; bắp thương phẩm lợi nhuận ước tính cao hơn khoảng 1,5-1,7 lần; cây ăn quả (nho, táo) cho lợi nhuận thu được gấp 8-18 lần. Bên cạnh đó, việc thực hiện sản xuất cánh đồng lớn đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: Mô hình lúa hiệu quả tăng từ 25-38% so với sản xuất đại trà; bắp giống lợi nhuận đạt trên 20 triệu đồng/ha so với sản xuất bắp đại trà; nho và măng tây xanh hiệu quả tăng từ 20-30%. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 36 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 5.000ha, tăng 5 cánh đồng/1.000ha so với năm 2021.
Nối liền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng là ứng dụng công nghệ tiên tiến, CNC và chuyển đổi số. Điển hình là các mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.”, “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (Invitro) nhân giống nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Ninh Thuận”, “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp kỹ thuật cải tạo vườn điều kết hợp trồng xen cây dược liệu theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”... Ngoài ra, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ nhà lưới, nhà màng; công nghệ sinh học, vi sinh; công nghệ sản xuất nông nghiệp không dùng đất có hiệu quả cao, tạo ra nông sản sạch đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường… Kết quả, đã phát triển được 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và phát triển thêm 1.355ha (mục tiêu năm 2025 đạt 1.000ha) sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; thu hút đầu tư 40 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, trong đó có 30 dự án hoạt động hiệu quả so với mục tiêu; hỗ trợ, hình thành 4 doanh nghiệp nông nghiệp CNC được công nhận; giá trị sản xuất đạt 990 triệu đồng/ha/năm (riêng dưa lưới và nho CNC hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm); đóng góp của nông nghiệp ứng dụng CNC vào giá trị sản xuất của ngành đạt 18%, tăng 12% so với năm 2020.

Phân loại sản phẩm măng tây xanh tại Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận. Ảnh: Mỹ Dung
Cùng với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết du lịch là điểm đột phá, giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đã tập trung gắn hoạt động sản xuất cây ăn quả và chăn nuôi sản phẩm đặc thù với phát triển du lịch sinh thái đón khách vào tham quan, thưởng thức ngay tại vườn nho, táo Phước Thuận (Ninh Phước), Thái An (Ninh Hải), vườn cây ăn quả Lâm Sơn (Ninh Sơn), Khu du lịch Natural Paradise Ninh Thuận (Thuận Bắc)... và hầu hết tại các điểm đón du khách đều có các gian hàng OCOP để du khách tiếp cận. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, các cuộc thi trực tuyến “Bình chọn sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Thuận được yêu thích”, các bài viết trên website http://ninhthuantourism.vn, App Du lịch Ninh Thuận “Ninh Thuận Tourism” trên thiết bị di động thông minh... tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn đưa hàng nông sản tiếp cận và tham gia sâu vào nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước. Tính đến nay, đã có 3 sản phẩm nông nghiệp đặc thù được xuất khẩu như: Tôm sú giống bố mẹ của Công ty MOANA xuất khẩu vào thị trường Malaysia, Hawaii...; măng tây xanh của Công ty Linh Đan xuất khẩu vào thị trường Đài Loan và Hàn Quốc; nha đam của Công ty GC Food xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đồng chí Đặng Kim Cương cho biết thêm: Với định hướng phát triển nông nghiệp CNC theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP để tạo động lực phát triển ngành, cũng như phấn đấu có thêm 3-5 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh được xuất khẩu trong thời gian tới, hiện ngành nông nghiệp đang tích cực hoàn thành đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại khu vực tưới thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để phát triển vùng trồng cây ăn quả CNC phục vụ xuất khẩu (ưu tiên cây nho). Đồng thời, chú trọng xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và quản lý chất lượng sản phẩm nông sản. Cụ thể: Ưu tiên hỗ trợ cấp mã vùng trồng, vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc thù có lợi thế, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định để đảm bảo uy tín, chất lượng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường theo hướng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong tổ chức và tham gia các sự kiện, hội thảo, hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại trên cả nước để quảng bá các chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể của Ninh Thuận; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm, ký kết hợp đồng trực tiếp với các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp chế biến; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản. Ngoài ra, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; hỗ trợ người sản xuất, chế biến áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, HACCP...; tranh thủ sự hỗ trợ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam để xuất khẩu các loại nông sản đặc thù.
Xuân Nguyên