Theo đó, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), với tổng diện tích xây dựng 2 nhà máy khoảng 1.642,22ha; dự án ảnh hưởng, tác động đến gần 4.000 nhân khẩu/1.100 hộ dân.
Sau khi có chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011, theo đó đã xác định chiến lược phát triển KT-XH dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột tập trung ưu tiên phát triển đó là: Năng lượng; du lịch; nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến; xây dựng và kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo. Đây là quy hoạch được xây dựng dựa trên trục phát triển của 2 nhà máy điện hạt nhân; các tác động ảnh hưởng tích cực của dự án điện hạt nhân đều được đánh giá, đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn đến năm 2020. Theo tính toán, việc thực hiện dự án 2 nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần rất lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh; tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt mức trên 11% liên tục trong 10 năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 160.000 tỷ đồng... Tuy nhiên, ngày 26/11/2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chủ trương này đã tác động lớn đến định hướng, chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH, làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng, phát triển KT-XH của tỉnh và đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.

Xã Phước Dinh (Thuận Nam) nơi quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: P.N
Trước tình hình đó, tỉnh đã quyết tâm chuyển hướng chiến lược từ chủ yếu dựa trên trục phát triển chính là điện hạt nhân sang phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch..., gắn với tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực nhằm tạo động lực mới, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; trọng tâm là tập trung phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân và xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã tạo động lực mới đột phá, phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời, kiến nghị và được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển
KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; đây là nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt.
Qua triển khai thực hiện, đến nay có thể khẳng định việc chuyển hướng chiến lược nêu trên là đúng đắn, phù hợp với xu thế, sát với tình hình của tỉnh, biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển và góp phần quan trọng, có tính quyết định mang lại những kết quả ấn tượng về phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua và tạo tiền đề vững chắc cho nhưng năm tiếp theo. Đến cuối năm 2024 toàn tỉnh đã đưa vào vận hành thương mại (COD) 57 dự án với tổng công suất 3.749,942MW; hằng năm tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia ước đạt 8,7 tỷ kWh, chiếm 6,69% trong tổng sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo cả nước (130 tỷ kWh). Năm 2024 lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm 17,2% trong GRDP, đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh và đóng góp 1.163 tỷ đồng/4.849 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 18.505 lao động của tỉnh. Đưa Ninh Thuận từ một địa phương còn khó khăn trong phát triển KT-XH đến nay thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; năm 2024, kinh tế tăng trưởng đạt 8,74%, xếp vị thứ 4/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành phố; quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng. Kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng, kết nối, liên thông đa mục tiêu được tập trung đầu tư. Văn hóa, xã hội, môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo đối tượng chính sách... có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Linh Giang
--------------------------------
Bài 2: Phát triển điện hạt nhân động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế