Ngày 31/3/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1387/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm về chống khai thác IUU năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ:
Về công tác chỉ đạo điều hành
Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS); Kế hoạch số 309-KH/TU ngày 14/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 3361/KH-UBND ngày 25/7/2024 của UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan của Trung ương về chống khai thác IUU.
Người đứng đầu của các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có kết quả nhiệm vụ chống khai thác IUU và bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ, tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm khai thác IUU làm ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh chống khai thác IUU của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung và lợi ích quốc gia.
Về công tác tuyên truyền, dân vận
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đầy đủ các quy định của các cấp về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. Nghiên cứu đổi mới các hình thức tuyên truyền sinh động, trực quan hơn, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để ngư dân và các thành phần liên quan nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.
Giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven biển tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản. Nắm chắc địa bàn, tuyên truyền đến từng hộ gia đình tại địa phương, ngăn chặn từ trong suy nghĩ đối với các chủ tàu có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Công tác tuyên truyền, vận động phải bảo đảm được nguyên tắc: “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”.
Các ngành, địa phương liên quan cần tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (tập trung đối với nhóm tàu thường xuyên khai thác thủy sản ở vùng biển thuộc các tỉnh phía Nam). Đưa vào diện theo dõi thường xuyên, vận động tuyên truyền không để nhóm tàu này thực hiện hành vi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Về quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản đúng quy định pháp luật. Ảnh: Văn Nỷ
Tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh bảo đảm nắm chắc thực trạng (số lượng hết hạn đăng kiểm, giấy phép, an toàn thực phẩm; tàu cá đã của tỉnh đã bán ra ngoài tỉnh nhưng chưa sang tên, tàu cá hoạt động khai thác thủy sản không thuộc vùng biển ninh thuận, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS, ...).
Lập danh sách, nắm rõ vị trí, địa điểm neo đậu của tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, tàu chưa lắp giám sát hành trình tàu cá. Chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra, báo cáo cập nhật hiện trạng các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu hết hạn giấy phép khai thác thủy sản tổng hợp báo cáo theo quy định.
UBND các địa phương ven biển tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn và các lực lượng chức năng không để phát sinh tàu cá “3 không”. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Đồn, Trạm Biên phòng ven biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến bảo đảm không để tàu cá “3 không” tham gia hoạt động trên biển. Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cơ chế chuyển đổi nghề cho nhóm tàu cá “3 không” đang thực hiện đăng ký tạm do địa phương quản lý.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn, trạm biên phòng ven biển trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đối với tàu cá có chiều dài 15m trở lên phải bảo đảm mở thiết bị giám sát hành trình 24/24 khi xuất và nhập bến. Tuyệt đối không cho bất kỳ trường hợp tàu cá không bảo đảm chức danh, định biên an toàn tối thiểu thuyền viên tàu cá; tàu cá không có hoặc không mở thiết bị giám sát hành trình khi làm thủ tục xuất, nhập bến; tất cả các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định.
Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên về bán cá, neo đậu tại các bãi ngang trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm, triệt để theo quy định tàu cá không đăng ký, không cấp phép, không đăng kiểm, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định bảo đảm kiểm soát được 100% tàu cá ngoài tỉnh bốc dỡ sản phẩm quả cảng, 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên của tỉnh ra vào cảng. Tất cả các tàu cá xuất bến phải có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá) và chấp hành đúng các quy định.
Tổ chức trực Hệ thống giám sát tàu cá 24/24 để kịp thời phát hiện tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển để kịp thời cảnh báo.
Kiểm soát bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng và thực hiện thông báo, ghi nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác bảo đảm phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Đối với tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, bị mất tín hiệu kết nối 10 ngày trên biển, ngay sau khi tàu về bờ phải xử lý theo quy định.
Tổng hợp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp của địa phương gửi cơ quan quản lý thủy sản cấp trung ương và cấp địa phương. Tăng cường quản lý, kiểm soát tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm IUU.
Về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác
Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đầy đủ, lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự). Triển khai thực hiện nghiêm túc “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử” (eCDT) do Cục Thủy sản và Kiểm ngư xây dựng.

Ngư dân mua bán cá cơm tươi tại cảng Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Tăng cường tổ chức giám sát sản lượng thủy sản khai thác được của các tàu cá trong và ngoài tỉnh bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá chỉ định của tỉnh. Bảo đảm kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm thủy sản; thực hiện ghi nộp nhật ký khai thác, nhật ký thu mua, chuyển tải theo đúng quy định, kiểm tra kiểm soát nhật ký bảo đảm nhật ký đúng quy định.
Bố trí đủ nguồn lực (nhân lực và kinh phí) đối với các lực lượng tham gia kiểm tra IUU và giám sát sản lượng tại các cảng chỉ định. Bảo đảm hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thủy sản từ khai thác được xuyên suốt trong mọi trường hợp. Kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cảng, cập cảng bảo đảm tỷ lệ theo quy định.
Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm
Thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tập trung rà soát, thống kê đầy đủ, phân loại các tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU (số hiệu tàu cá, tên chủ tàu, tên thuyền trưởng, số thuyền viên, nghề khai thác, ngư trường khai thác, hiện đang neo đậu tại địa phương nào, số tàu chính chủ, số tàu đã chuyển nhượng, tàu đã cho thuê (nếu có), …).
Thành lập Tổ công tác vào làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp tuyên truyền, vận động, quản lý, giám sát việc xuất, nhập bến. Trên cơ sở đó có phương án xử lý cụ thể với từng tàu cá (kể cả vận động chuyển đổi nghề khai thác thủy sản).
Điều tra xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (nếu có).
Các cấp, ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cùng phối hợp xác minh các tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép trên biển từ năm 2023 đến nay, hoàn chỉnh hồ sơ, tiến hành xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định (nếu có).
Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu và ngư dân Ninh Thuận đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác thủy sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép và khởi tố các hành vi này theo quy định của Bộ luật hình sự (nếu có).
Tập trung điều tra, xử lý, xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS quá 10 ngày trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm đối với các tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác (nếu có).
Mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định; ngăn chặn không cho ra khơi hoạt động hoặc cập cảng lên cá tại cảng cá khi phương tiện tàu cá không có đầy đủ các giấy tờ, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định hoặc không tuân thủ theo các quy định của Ban quản lý cảng cá trong quá trình rời cập cảng cá.
Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác bất hợp pháp IUU tại các cảng cá, công tác triển khai chống khai thác bất hợp pháp IUU của chính quyền địa phương. Tổng hợp, lưu trữ hồ sơ kết quả xử lý vi phạm và cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương kịp thời thông tin cho Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
TS