Đón giao thừa trên biển

Trong những giờ khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, có những người vẫn cần mẫn làm việc như thường ngày, họ là những ngư dân đánh bắt xa bờ.

Thời điểm này, ai ai cũng đều vui niềm vui chung của đất nước đổi mới, đẹp giàu, hòa cùng không khí mừng Đảng, mừng xuân, hạnh phúc với cuộc sống gia đình ấm no. Nhưng trong những giờ khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới, có những người vẫn cần mẫn làm việc như thường ngày, họ là những ngư dân đánh bắt xa bờ.

Tại Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang, vào buổi chiều, lúc này ngư dân thường hay rảnh rỗi và gọi điện liên lạc với người thân trong đất liền. Đường dây liên lạc đều phải nhờ đến các khai thác viên ở đây “chắp nối” nên việc thăm hỏi và khai thác thông tin của chúng tôi cũng tương đối dễ dàng.

Anh Huỳnh Tấn Kháng, chủ tàu 1790 – TG, quê ở Tiền Giang chia sẻ: “Nhiều lần ăn Tết trên biển quá nên nhớ không hết em ơi, mỗi lần đi biển 1 đến 2 tháng trời mới vô, đón giao thừa trên biển là thường. Tàu anh hay đánh cá bạc má, cá mắt lộ...”. Với người đàn ông hơn 30 năm nghề biển, việc đón giao thừa giữa trùng khơi đơn giản chỉ là nén nhang cúng tàu, vài chiếc bánh, viên kẹo hay nhâm nhi chén rượu cùng với bạn thuyền.

Hai cha con anh Bùi Tấn Đức, quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đi tàu số 91094 – CM thì lại khác: “Giao thừa năm nào anh cũng gọi vô đài duyên hải Phan Rang để giao lưu và hát cải lương cùng với mọi người, mấy ngày tết thỉnh thoảng nhậu với anh em là vui rồi”. Cuộc đời ngư phủ chỉ có sóng gió làm bạn, cậu con trai lớn 22 tuổi của anh cũng đang hứng khởi bắt đầu lần đón giao thừa đầu tiên trên biển.

Các tàu thường ra khơi từ 13, 14 tháng chạp đến 13, 14 tháng giêng năm sau mới vô đất liền. Mấy đòn bánh tét, mấy lít rượu, thùng bia, trái cây, nước ngọt và vài gói trà cũng đã được chuẩn bị sẵn. Chị Trần Thị Xuân Tiến, khai thác viên của Đài TT DH Phan Rang cho biết: “Giao thừa chị hay giành trực tổng đài để giao lưu với mấy anh em. Tuy chưa lần gặp mặt nhưng nói chuyện với nhau hoài thành ra thân mật, tết nhất cũng muốn được chia sẻ chút ít với các anh cho vơi nỗi nhớ đất liền”.

Được biết, các ngư dân này thường đánh bắt ở vùng Nam biển Đông, “mẻ cá hai năm” là món quà “xông” thuyền mang đầy sự may mắn, nụ cười của những ngư dân rạng ngời theo ánh nước mang sắc màu của bình minh.