Dù chưa có tổ chức nào bị chỉ mặt, gọi tên hay lên tiếng nhận là thủ phạm gây ra vụ tấn công nhưng các hướng điều tra tập trung vào lực lượng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Bắc Cáp-ca-dơ. Sự nghi ngờ này là tất yếu khi chưa đầy 12 tháng trước, chúng đã đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở Mát-xcơ-va cướp đi hàng chục mạng người và trước đó còn gây ra nhiều tội ác “trời không dung, đất không tha” khác như vụ thảm sát kinh hoàng ở một trường tiểu học ở Bê-xlan năm 2004. Ảo vọng điên cuồng về một nhà nước Hồi giáo Bắc Cáp-ca-dơ ly khai khỏi Liên bang Nga của những kẻ cực đoan chính là nguồn cơn của tội ác.
Từng phải gánh chịu những tổn thất lớn cả về sinh mạng và tài sản cũng như tinh thần trong gần 20 năm đấu tranh gay go và khốc liệt chống lại chủ nghĩa ly khai và cực đoan, nước Nga đã giành được những kết quả tích cực trong quá trình khôi phục toàn vẹn lãnh thổ. Những chiến dịch trấn áp quyết liệt cùng các chương trình kinh tế nằm nâng cao đời sống của người dân đã giúp hòa bình và phát triển đâm chồi trở lại ở Tre-sni-a, nước cộng hòa vùng Bắc Cáp-ca-dơ mà lực lượng ly khai một thời gian dài muốn duy trì như một quả bom nổ chậm giữa lòng Liên bang Nga. Tuy nhiên, hai vụ đánh bom ở Mát-xcơ-va trong vòng chưa đầy một năm và hàng loạt vụ ám sát quan chức chính quyền ở các nước cộng hòa láng giềng của Tre-sni-a như Đa-ghe-xtan, In-gu-sê-ti-a cho thấy, vẫn còn đó tư tưởng ly khai, chủ nghĩa cực đoan. Với công cụ tàn bạo là khủng bố, lực lượng này tiếp tục tìm mọi cơ hội để phá hoại sự ổn định của nước Nga.
Ngay sau vụ đánh bom sân bay Đô-mô-đe-đô-vô, Tổng thống Nga D. Mét-vê-đép (Dmitri Medvedev) đã hủy chuyến công du tới Thụy Sĩ và yêu cầu các cơ quan chức năng của Nga khẩn trương điều tra, trừng trị những kẻ liên quan. Chắc chắn nước Nga không bao giờ run sợ trước bọn khủng bố, nhưng tận diệt chúng thực sự là một nhiệm vụ không dễ dàng của Mát-xcơ-va.
Trước khi xảy ra thảm kịch chiều 24-1, các cơ quan an ninh Nga đã nhận được tin về một vụ tấn công nhằm vào một sân bay ở thủ đô Mát-xcơ-va. Lực lượng an ninh đã truy lùng ba nghi can, song bọn chúng tìm cách tiếp cận được khu vực sân bay Đô-mô-đe-đô-vô, chứng kiến vụ đánh bom do tòng phạm gây ra và sau đó rời khỏi hiện trường. Đây không chỉ là sự cố đáng trách của lực lượng an ninh Nga mà nó còn cho thấy phương thức hoạt động của quân khủng bố đã khác trước với mức độ tinh vi hơn và nguy hiểm hơn.
Chuyển người bị thương trong vụ đánh bom ra khỏi sân bay Domodedovo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quan sát kỹ những hoạt động của lực lượng khủng bố trong lãnh thổ Liên bang Nga từ đầu năm 2010 cho đến nay, có thể thấy chúng đã thay đổi chiến thuật để lẩn trốn tốt hơn. Các tay súng ly khai chia ra làm nhiều nhóm nhỏ, chỉ gồm hai đến ba thành viên, và tìm cách xâm nhập vào các thành phố chờ thời cơ. Trong khi đó, dường như các chiến dịch trấn áp của lực lượng an ninh Nga vẫn thường xuyên tập trung ở các khu vực núi non nên vô tình bỏ sót bọn khủng bố “nhập thành”.
Vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở sân bay Đô-mô-đe-đô-vô không chỉ như tiếng chuông thúc bách nước Nga nỗ lực hơn trong cuộc chiến dập tắt tư tưởng ly khai mà đó còn là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa khủng bố vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp nhất đối với hòa bình và ổn định trong thời đại ngày nay. Lực lượng khủng bố đã gây ra những tội ác không thể dung thứ và cộng đồng quốc tế cần tích cực cùng nhau hợp tác nhằm loại bỏ chúng ra khỏi xã hội loài người.
(Theo qdnd online)