Năm trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Phát biểu trước một cuộc họp với sự tham dự của các nhà ngoại giao tới từ nhiều nước khác nhau, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 20/1 đã nêu bật 5 trụ cột cơ bản trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản trong năm 2011.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nhật Bản đã nêu bật trụ cột chính trong đường lối đối ngoại của nước này đó là việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, dù có sự thay đổi trong Chính phủ. Bên cạnh đó, ông Kan cũng xác nhận tầm quan trọng của sự hiện diện quân đội Mỹ tại Nhật Bản trước những căng thẳng trong khu vực, trong đó có chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết thêm, ông sẽ theo đuổi một nỗ lực nhằm thắt chặt mối quan hệ đồng minh này nhân chuyến công du Mỹ dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm 2011. Cũng theo lời của Thủ tướng Nhật Bản thì nhân sự kiện này, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đưa ra một tầm nhìn mới cho các mối quan hệ giữa hai đồng minh.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (Ảnh tư liệu)

Theo quan điểm của ông Kan thì với vị trí là một nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật cần tiếp tục được cải thiện.

Trụ cột thứ hai được đề cập đến trong bài phát biểu về chính sách đối ngọai của Thủ tướng Nhật Bản, đó là việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh trong bối cảnh Nhật Bản và phần còn lại của châu Á đang phải đối mặt với hàng loạt "cơ hội và những nhân tố bất ổn" về mặt chính trị, kinh tế và an ninh, Tokyo cần phải "quyết đoán" và "linh hoạt" hơn trong chính sách đối ngoại để tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro từ những nhân tố bất ổn trên.

Trong khi bày tỏ quan ngại xung quanh việc mở rộng sức mạnh quân sự và các hoạt động của hải quân Trung Quốc cũng như bày tỏ thái độ tiếc nuối trước những tranh cãi giữa hai nước trong năm 2010, ông Kan đã bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ được mở rộng trong năm 2011, gồm cả quan hệ giữa các đảng chính trị. Theo quan điểm của ông Kan, Nhật Bản và Trung Quốc cần thắt chặt mối quan hệ chiến lược, vì lợi ích của cả hai dân tộc. Qua đó, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ mong muốn tăng cường các cuộc tiếp xúc trao đổi với Trung Quốc, ở cả cấp độ Chính phủ và tư cách cá nhân.

Về quan hệ với Hàn Quốc, ông Kan nhận định rằng, mối quan hệ Nhật-Hàn Quốc sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai trong bối cảnh hai quốc gia đang bắt tay hợp tác nhằm đối phó với nhiều thách thức về mặt an ninh, đặc biệt là trên bán đảo Triều Tiên.

Về quan hệ với Nga, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng, việc giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ giữa hai bên sẽ phục vụ tích cực cho lợi ích của nước Nga.

Trụ cột thứ ba trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản - theo ông Kan - là thực hiện quá trình mở cửa đất nước và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện chính là cách thức tối ưu giúp quốc gia này có thể cùng chia sẻ sự thịnh vượng với các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ những hành động gây hấn và nhanh chóng trao trả tự do cho các công dân Nhật Bản đã bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ.

Trụ cột thứ tư là chính sách thương mại, Thủ tướng Kan khẳng định quyết tâm mở cửa thị trường, đưa Nhật Bản trở thành trung tâm phát triển và xác định thời hạn chót vào tháng 6/2011, Chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định việc tham gia Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-một thỏa thuận thương mại tự do đa phương do Mỹ hậu thuẫn. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng "vấn đề then chốt là mở cửa đất nước, cả về tư tưởng cũng như nền kinh tế".

Trụ cột thứ năm là nâng cao tính cạnh tranh của các công ty Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này, ông Kan cho biết, kể từ năm tài khóa 2011, Nhật Bản sẽ cắt giảm 5% điểm thuế của các liên hiệp công ty.

Theo đánh giá của tờ nước Nhật ngày nay (Japan Today), bài phát biểu về chính sách đối ngoại được Thủ tướng Kan đưa ra trong một nỗ lực nhằm thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về năng lực ngoại giao của nhà lãnh đạo hàng đầu Nhật Bản, đặc biệt sau khi nội các nước này trải qua một cuộc cải tổ lớn vào ngày 14/1 vừa qua./.
 

(Theo ĐCS Online)