Theo kế hoạch, siêu đô thị sẽ chiếm phần lớn diện tích trung tâm sản xuất hiện nay của Trung Quốc, kéo dài từ Quảng Châu đến Thâm Quyến và bao gồm Phật Sơn, Đông Quan, Trung Sơn, Chu Hải, Giang Môn, Huệ Châu và Triệu Khánh.
Tổng diện tích của khu đô thị lên tới 41.440km2, gấp 26 lần diện tích London và gấp đôi diện tích xứ Wales của Anh.
Dự án hiện chưa có tên, song giới chức Trung Quốc khẳng định, siêu đô thị sẽ không mang tên kiểu như Greater London hay Greater Tokyo bởi không thành phố nào được chọn làm trung tâm của siêu đô thị.
Dự kiến, trong 6 năm tới, khoảng 150 dự án hạ tầng sẽ được thực hiện để kết nối hệ thống giao thông, năng lượng, nước và viễn thông của 9 thành phố. Tổng chi phí thực hiện các dự án lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (304 tỷ USD). Ngoài ra, hệ thống đường sắt cao tốc dài 4.690 km cũng sẽ kết nối siêu đô thị này với Hong Kong.
“Sau khi được kết nối, việc đi lại của người dân trong vùng sẽ thuận tiện hơn. Họ cũng có điều kiện sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội tốt hơn", ông Ma Xiangming, trưởng ban kế hoạch của Viện đô thị Quảng Đông và chuyên gia tư vấn cao cấp cho dự án nhấn mạnh.
Theo ông, dân cư có thể dùng thẻ tàu điện hoặc mua vé theo năm để đi lại trong thành phố. Với khoảng 29 đường tàu điện, tổng chiều dài 5.000 km được xây mới, thời gian đi lại trong vùng sẽ giảm được một giờ so với hiện nay. Phí điện thoại cũng có thể giảm tới 85%.
Giới chức Trung Quốc khẳng định, trong tương lai, đây không phải là siêu thành phố duy nhất của Trung Quốc. Sau đồng bằng sông Châu, kế hoạch dài hạn là đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi thêm nhiều thành phố 50 đến 100 triệu dân và các cụm thành phố nhỏ từ 10 đến 25 triệu dân.
Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc, hai thành phố trung tâm là Bắc Kinh và Thiên Tân cùng các khu vực lân cận sẽ được quy hoạch thành siêu đô thị mang tên vành đai kinh tế Bohai, với 260 triệu dân.
(Theo Đất Việt Online)