Nông dân Ninh Phước áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Miên
Chúng tôi tìm gặp anh Quảng Đại Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) - người đóng vai trò quan trọng trong tổ chức triển khai mô hình CĐL sản xuất lúa giống đầu tiên trong tỉnh. Gặp khách, anh khoe: Đến nay có thể khẳng định mô hình đã đạt được kết quả ban đầu, chứ không phải như trước đây chúng tôi rất lo vì thiếu đủ thứ, từ khó huy động vốn trong các thành viên, đến chưa nắm vững kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, chúng tôi đã vượt qua khó khăn quyết tâm thực hiện thành công, bây giờ nhìn cánh đồng lúa mượt mà đang ở kỳ đẻ nhánh có thể tự tin nắm chắc phần thắng. Cũng theo anh Hoàng, HTX ghi nhận công lao của cán bộ kỹ thuật thuộc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (doanh nghiệp liên kết với HTX triển khai CĐL) nhiệt tình bám đồng ruộng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung cấp giống, phân bón, nên chỉ sau thời gian ngắn, 103 hộ tham gia thực hiện mô hình CĐL quy mô 56 ha đã thuần thục các công đoạn chăm sóc đúng theo quy trình.
Thực tế triển khai CĐL ở xã Phước Hậu cho thấy, ưu điểm vượt trội của mô hình là chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đem lại hiệu quả rõ rệt, nên được đông đảo nông dân hưởng ứng một cách tự nguyện. Tiếp bước HTX Phước Hậu, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang cũng đã liên kết với nông dân xã Phước Tiến (Bác Ái) tiến hành cơ giới hóa thực hiện CĐL sản xuất mía bằng các tổ hợp máy hiện đại, công suất lớn, phục vụ cày đất, rạch hàng xuống giống, bón phân, làm cỏ. Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc công ty, cho biết: Đơn vị đầu tư nhiều tỷ đồng mua sắm các thiết bị công nghệ phục vụ chương trình CĐL với mục tiêu đưa năng suất mía bình quân 50 tấn/ha hiện nay lên 70 - 80 tấn/ha, nâng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích lên 30% so với canh tác truyền thống.
HTX Phước Hậu (Ninh Phước) tiên phong thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống đạt hiệu quả cao.
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo cơ sở để các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xúc tiến nhân rộng mô hình CĐL. Ngoài huyện Bác Ái, Ninh Phước, hiện nay Ninh Sơn cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai CĐL sản xuất mía ở xã Quảng Sơn, quy mô 160 ha. Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Ninh Sơn là vùng trọng điểm cây mía của cả tỉnh, với diện tích gần 2.500 ha, nhưng hoạt động sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong chăm sóc, thu hoạch.
Triển khai mô hình CĐL huyện đầu tư hạ tầng đường giao thông, thủy lợi từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo được sự đồng thuận trong nông dân tích cực tham gia. Tiếp theo cây mía, huyện triển khai CĐL sản xuất mì để khắc phục tồn tại lâu nay đó là thiếu sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Huyện quy hoạch vùng trồng mì với diện tích 2.400 ha, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Sơn và Quảng Sơn. Hoạt động sản xuất mì gần đây có bứt phá về năng suất cao nhờ ngành chức năng hỗ trợ nông dân đưa nhiều giống mới có ưu thế vượt trội vào trồng đại trà. Tuy nhiên, hạn chế của sản xuất mì ở địa phương là sản phẩm làm ra bán trôi nổi trên thị trường, thường xuyên xẩy ra tình trạng ứ đọng khối lượng lớn. Để “khai thông” đầu ra cho sản phẩm mì, huyện vận động thành lập 7 tổ hợp tác, mỗi tổ 52 hộ liên kết với Nhà máy tinh bột mì Fococev sản xuất 180 ha mì, mở đường hướng tới hình thành CĐL.
Chương trình xây dựng CĐL cũng đang được triển khai quyết liệt ở huyện Ninh Hải. Địa phương dự kiến chọn vùng nho xanh ở thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải) và nho đỏ ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) triển khai thí điểm. Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch, thì đây là những CĐL tiêu biểu canh tác các loại cây trồng đặc thù của tỉnh theo chuỗi giá trị, kết hợp với đón khách du lịch tham quan vườn cây ăn trái.
Anh Tùng