VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Cần và đủ!

(NTO) Có thể nói, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là nhu cầu tất yếu, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Theo các chuyên gia, khi áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất. Với  việc tiết kiệm chi phí và tăng năng xuất cây trồng, vật nuôi sẽ tạo ra nền sản xuất lớn với lượng sản phẩm đủ để cung cấp cho quá trình chế biến công nghiệp. Cũng nhờ thương mại hóa được sản phẩm mà các thương hiệu sản phẩm được tạo ra và cạnh tranh trên thị trường…Cùng với đó sẽ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực này, tạo nguồn lực cho nông nghiệp phát triển… Đối với nông nghiệp tỉnh ta, việc ứng dụng CNC càng cần thiết hơn bởi nông nghiệp tỉnh giàu lợi thế với những cây con đặc thù có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường, song cũng có những điểm yếu cơ bản, như diện tích đất manh mún, thiếu các cánh đồng lớn, trình độ tiếp cận CNC của số đông nông dân còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư... Từ điểm yếu cơ bản đó, nông nghiệp trong tỉnh muốn phát triển bền vững phải đầu tư chiều sâu, dùng KHCN để nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, tạo ra những nông sản có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Muốn vậy cần phải sản xuất theo chuỗi, sản xuất quy mô lớn để có thể ứng dụng thiết bị, công nghệ vào quá trình sản xuất…

Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) trồng sầu riêng hạt lép đem lại giá trị kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngày 10-10-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết xác định mục tiêu: Ứng dụng và chuyển giao CNC vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ tốt việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Theo đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 20%- 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp CNC trung bình phải đạt từ 300 triệu đồng trở lên...

Được biết, tỉnh đã xây dựng quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, Cụ thể toàn tỉnh sẽ có 12 khu sản xuất rau an toàn CNC tại các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải của huyện Ninh Hải; xã Phước Sơn Phước Vinh, Phước Sơn huyện Ninh Phước; xã Phước Ninh và Phước Nam, huyện Thuận Nam; xã Lâm Sơn, Lương Sơn huyện Ninh Sơn; phường Mỹ Bình, Văn Hải Tp. Phan Rang-Tháp Chàm với tổng diện tích 1.640 ha; 4 vùng sản xuất cây ăn quả CNC với tổng diện tích 700 ha; 4 vùng chăn nuôi gia súc có sừng CNC có tổng diện tích 500 ha; 5 vùng sản xuất giống và nuôi thủy sản thương phẩm CNC với tổng diện tích 420 ha, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam…Để đạt được mục tiêu đã nêu, tạo cú huých cho phát triển nông nghiệp có hàm lượng KHCN cao, yêu cầu đặt ra là cần thu hút doanh nghiệp đầu tư sâu vào lĩnh vực này, hình thành mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Điều cũng đáng ghi nhận là đến nay tỉnh đã mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào một số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo hướng ứng dụng CNC như Dự án Trồng cỏ nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc); Dự án Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở xã Phước Vinh; Dự án sản xuất Giống thủy sản công nghệ cao ở xã An Hải (Ninh Phước)… Mặt khác, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Ninh Thuận đã có chủ trương đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình NNCNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh với nguồn vốn lãi suất thấp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…Khi thực hiện sẽ có tác động tích cực vào việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp tiên tiến, tạo ra sản phẩm đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường... Đây sẽ là hạt nhân quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh.

Suy cho cùng, điều kiện tự nhiên, chính sách ưu đãi…chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ đó là quyết tâm của nông dân, doanh nghiệp “có chí” làm ăn lớn, gắn sản xuất với thị trường…