VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Đừng đùa với…hiểm họa!

(NTO) Có thể nói, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu hại, cỏ dại gây hại mùa màng vẫn là một biện pháp quan trọng và chủ yếu…đã gia tăng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Mặc dù các cơ quan chức năng và địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhưng tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV - những chất hữu cơ độc hại, đứng đầu danh sách các loại độc chất nguy hiểm và là một trong những tác nhân chính gây ung thư- vẫn có những diễn biến phức tạp dẫn đến những nguy cơ mất an toàn thực phẩm, tác động xấu môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thực tế này đang cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các ngành chức năng và các địa phương.

Nông dân thôn Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước) sử dụng thuốc BTVT đưa bao bì bỏ vào hố thu gom.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 70.000 đến hơn 160.000 tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật, trong số này có đến hàng ngàn loại được khuyến cáo hạn chế sử dụng, tuy nhiên tình trạng sử dụng thuốc BVTV tùy tiện, lạm dụng cũng tạo ra nhiều mối quan ngại. Rất nhiều người dân sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm là chính mà không theo hướng dẫn, nhất là trong việc sử dụng đồ bảo hộ. Không ít nông dân cho biết, để trừ sâu bệnh cho cây trồng phải dùng nhiều loại thuốc pha chung mới “hiệu quả” nhưng hậu quả cũng không nhỏ bởi có thể sẽ tăng độc tố gây hại đến sức khỏe người sử dụng và cả cộng đồng nếu khu vực sản xuất gần khu dân cư...Đó là chưa đề cập đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV nhưng chưa đảm bảo an toàn về thời gian cách ly của thuốc, phun thuốc chưa đúng đối tượng dịch hại cần phòng trừ và tùy tiện tăng liều lượng thuốc khi thấy cây trồng chưa có dấu hiệu giảm bớt sâu bệnh…mà lẽ ra  nông dân cần áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng gồm: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. 

Vấn đề cũng đáng nói nữa là nông dân chưa quan tâm đến việc bảo quản vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng và mang đến nơi tiêu hủy tập trung hoặc tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chức năng mà thường hay vứt bỏ bừa bãi ra kênh mương, bờ ruộng…Đây quả là điều đáng lo ngại vì theo tính toán của cơ quan chuyên môn, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bao giờ cũng còn tồn dư một phần thuốc luôn có mức thấp nhất là 2%… Nếu vứt bao bì bừa bãi trên đồng ruộng, thuốc sẽ khuếch tán vào nước tưới, nước mưa bị rửa trôi xuống nước ngầm và nước mặt gây ô nhiễm trực tiếp hệ sinh thái. Nếu xử lý bằng chôn lấp bao bì, thuốc cũng sẽ bị rửa trôi, thấm sâu xuống nước mặt, nước ngầm. Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn nếu chôn lấp ở trên cao hay đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao bì đốt không đúng quy trình an toàn nguy cơ phát thải Dioxins là rất lớn…Đây cũng chính là những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng ô nhiễm đất đai, nguồn nước, môi trường sống và tác động xấu đến sức khỏe của con người.

Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và các địa phương cần phối hợp đồng bộ để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo chuyên môn, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân trong sử dụng, bảo quản thuốc BVTV và thu hồi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

Suy cho cùng, thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc BVTV sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, nông dân cần sử dụng thuốc BVTV theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng trên nguyên tắc “4 đúng”, nên chọn thuốc có tác dụng chọn lọc bởi những loại thuốc tác dụng rộng sẽ tiêu diệt nhiều loại thiên địch, gây tái phát, bộc phát dịch hại hoặc kháng thuốc; sử dụng đúng thuốc trong danh mục, không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục hoặc thuốc hết hạn sử dụng…Thực hiện tốt những vấn đề này, bà con nông dân không những bảo vệ tốt cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, xã hội mà còn giảm được những hiểm họa cho sức khỏe, bản thân và cộng đồng, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an toàn thực phẩm.