|
Đồng chí Phạm Dũng Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật |
Phóng viên: Đồng chí cho biết tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa trong vụ hè - thu 2017?
- Đồng chí Phạm Dũng: Hiện nay rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đã phát sinh trên cây lúa vụ hè - thu 2017 ở một số tỉnh Tây Nam bộ với mật độ cao hơn năm trước. Đặc biệt, bệnh VL-LXL gây hại tại tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Hậu Giang…, nguy cơ bùng phát thành dịch, nếu không có giải pháp phòng, chống kịp thời. Ở tỉnh ta, tình hình chưa khẩn cấp, tuy có một số loại sâu bệnh đã xuất hiện trên cây trồng nhưng ở mật độ thấp, nằm trong tầm khống chế. Đến thời điểm hiện nay (ngày 19-7) có 37 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh bị sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn tấn công, tỷ lệ hại 2 - 5%. Riêng bệnh VL-LXL đơn vị đã lấy mẩu gửi đi xét nghiệm, kết quả âm tính. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh VL-LXL, tuy vậy với thời tiết mưa nắng đan xen như hiện nay, rất dễ phát sinh sâu bệnh, cần phải tăng cường công tác phòng ngừa ngay từ bây giờ, bởi khi có dịch mới tổ chức dập thì không thể tránh khỏi thiệt hại lớn cho nông dân.
Phóng viên: Đồng chí cho biết kết quả công tác triển khai thực hiện phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL theo chỉ đạo của UBND tỉnh?
- Đồng chí Phạm Dũng: Ngay sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thức vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp phòng, chống rầy nâu, bệnh VL-LXL hại lúa. Trong đó, chú trọng tăng cường các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại, khuyến cáo nông dân áp dụng chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp IPM; mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, khi cần thiết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải tuân thủ nguyên tắc “ 4 đúng” và theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Riêng đơn vị đã triển khai 11 lớp tập huấn về phòng, chống sinh vật gây hại trên cây lúa, nhất là rầy nâu, bệnh VL-LXL; đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương, cộng tác viên bảo vệ thực vật cơ sở tăng cường bám sát đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại; đặc biệt, phát hiện sớm rầy nâu, bệnh VL-XL hại lúa để có biện pháp ngăn chặn. Tiến hành kiểm tra, theo dõi sâu bệnh ở 9 bẫy đèn nhằm dự báo chính xác lứa rầy nâu xuất hiện và thu thập mẫu rầy nâu để phân tích nguồn rầy mang virus gây bệnh. Đến thời điểm hiện nay, rầy nâu có xuất hiện với mật độ không đáng kể, Chi cục tiếp tục theo dõi thông báo tình hình cho nông dân biết để chủ động phòng ngừa. Đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn ràng nhân lực, vật lực, phương tiện phòng khi có dịch chủ động dập ngay, không để phát sinh trên diện rộng.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Anh Tùng (thực hiện)