Khi cổng trường khép lại, phần đông gia đình ở thành phố thường đưa con cháu về quê thăm cha mẹ, ông bà. Đó cũng là lúc những đứa trẻ được dịp sống lại bao trò nghịch ngợm. Tụm năm, tụm ba nói cười rôm rả rồi rủ nhau tắm sông. Sông quê hiền hoà, phẳng lặng. Chỉ có nước sông quê mát lạnh mới đủ sức xua đi cái nóng hầm hập của những buổi trưa hè oi bức mà thôi.
Ảnh minh họa.
Nhớ lại cái tuổi nghịch ngợm hồn nhiên, buổi trưa thường trốn ngủ tranh nhau đi bắt những chú chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim đậu dọc theo bờ rào. Lớn lên một chút, lại nhớ những trưa hè mắc võng trong vườn nhà, lắng nghe tiếng bầy ong mật rủ rỉ, rù rì như muốn kể về những chuyến đi xa hút đầy mật ngọt… Một chú chim sâu cũng trở nên chậm chạp giữa cái nóng nực của trưa hè, đang lim dim ngủ gà gật trên cành bỗng mở choàng mắt giật mình bay đi bởi một tiếng gà trưa xao xác. Nắng trong vườn như nhảy múa rung rinh vẽ hoa trên mặt đất. Vẳng xa xa tiếng ai đang ru trẻ ngủ, và thế là hồn mình cũng lâng lâng… Mi mắt dường như trĩu nặng. Trong giấc mơ trưa thấy mình là một chú mục đồng đứng giữa một vùng cỏ may tràn nắng. Giờ đây, nỗi nhớ vẫn găm đầy những cánh hoa mỏng mảnh, dễ thương…
Khi lớn lên một chút, đã biết bâng khuâng và buồn nhớ khi đi ngang qua trường cũ vào những ngày nghỉ hè. Sân trường quạnh vắng ngập đầy lá rụng, cỏ mọc tràn lan, nắng thênh thang đùa trên mái lá, cánh phượng rơi lả tả nhuộm đỏ một vạt góc sân chiều, khiến cho lòngngười tôi thêm chùng xuống.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, những đứa trẻ ngày ấy bây giờ dường như đã thành ông, thành bà. Chiếc quạt mo cau cũng đã về với miền xưa cũ, bởi hầu hết nhà nào bây giờ cũng có quạt điện và máy điều hòa. Mo cau càng khan hiếm hơn bởi những hàng cau thẳng tắp ngày ấy, giờ chỉ là trong hoài niệm.
Cảm ơn miền quê một thuở đã cho tôi sống lại với tuổi thơ êm đềm, trải đầy nét hồn nhiên và tinh nghịch. Dẫu có chút quậy phá nhưng đó là những trò nghịch ngợm dễ thương. Trèo cây, tắm sông, trộm ổi, phơi nắng bắt chuồn chuồn… nhưng xét cho cùng cũng chỉ là những trò mua vui hòa theo cùng bè bạn. Hành trình “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh đã đánh thức tâm hồn tôi, đi ngược về những ngày yêu thương đó. Ôi ký ức đong đầy như thế há chẳng đủ theo ta suốt cuộc đời?
Thùy Trang