Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước lần thứ X xác định nhiệm vụ trọng tâm của địa phương giai đoạn 2011- 2015 là tập trung phát triển nông nghiệp đạt năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ đạt hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi là một trong những điều kiện then chốt nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Nông dân thị trấn Phước Dân thu hoạch lúa vụ mùa 2010 vùng chủ động tưới đạt trên 45 tạ/ha.
Nhộn nhịp Lanh Ra
Trong những ngày đầu năm mới 2011, chúng tôi đến với công trình thủy lợi Lanh Ra đang được xây dựng tại địa bàn xã Phước Vinh. Hàng trăm công nhân và nhiều phương tiện xe máy của 13 doanh nghiệp trúng thầu đang nhộn nhịp thi công. Lanh Ra là một trong những hệ thống thủy lợi trọng điểm được Nhà nước đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Ninh Phước. Công trình khởi công vào cuối tháng 11- 2008 có sức chứa 13,8 triệu mét khối nước với tổng vốn đầu tư trên 165 tỉ đồng. Tính đến nay, đập đầu mối hoàn thành trên 70% khối lượng công việc và phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Công trình đảm nhận tưới cho 1.050 ha tự chảy từ hệ thống kênh chính và tạo nguồn bơm tưới bổ sung cho 200 ha đất canh tác. Ngừng tay kiểm tra độ nén nền đất phần thân đập chính, kỹ sư Phạm Mạnh Nam phấn khởi cho biết:
"Công ty Xây dựng Lưỡng Bằng chúng tôi đảm nhận thi công phần thân đập chính có chiều dài 650 mét, cao 24,9 mét, đỉnh đập rộng 5 mét. Công ty huy động 24 thiết bị xe máy chuyên dùng và trên 100 công nhân thi công bảo đảm hoàn thành phần đập đầu mối vào tháng 7 năm nay”. Phía hạ lưu thân đập Lanh Ra, anh Nguyễn Thành Phước, ở thôn Phước An đang chăm sóc ruộng bắp lai vụ đông xuân mơn mởn lên xanh." Đời sống gia đình tôi nhờ vào hoa lợi của 1,5 ha đất canh tác trồng bắp lai. Do không có nguồn nước chủ động nên phải đào giếng bơm tưới. Gặp những năm trời hạn đành phải treo “gàu” bỏ đất hoang. Làm rẫy nước trời, bà con tui nơm nớp hết lo hạn hán tới lo lũ lụt. Nhìn thấy công trình hồ chứa nước Lanh Ra đang xây dựng, bà con tui mừng lắm”- anh Phước chia sẻ niềm vui.
Đứng giữa công trình thủy lợi Lanh Ra bộn bề sắt thép các hợp phần đang thi công, chúng tôi nhớ hôm trao đổi với đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, anh cho biết toàn xã có 2.400 hộ với gần 13.000 dân sinh sống trên địa bàn 5 thôn. Phước Vinh có 2.600 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ đó 300 ha chủ động bơm tưới từ hệ thống đập Nha Trinh và 900 ha bơm tưới nước ngầm. Còn lại 1400 ha phụ thuộc vào nước trời nên canh tác bấp bênh, đời sống nông dân rất khó khăn, kinh tế nông thôn chậm phát triển. Tính đến cuối năm 2010, hộ nghèo của Phước Vinh còn 14%, cao hơn 5,5% so với bình quân chung của toàn huyện Ninh Phước. Có hệ thống thủy lợi Lanh Ra sản xuất nông nghiệp địa phương chắc chắn phát triển, từ đó đời sống nông dân cũng sẽ phát triển đi lên xây dựng nông thôn mới.
Nước tưới cho ra vàng
Rời công trình thủy lợi Lanh Ra, chúng tôi xuôi về trung tâm huyện lỵ Ninh Phước. Nông dân vùng lúa Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Dân vùng chủ động tưới đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa năng suất bình quân đạt trên 45 tạ/ha. Đồng chí Đàng Thành Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước cho biết, diện tích gieo trồng cây hàng năm của địa phương từ 21- 22 ngàn ha. Trong đó cây lương thực có 16-17 ngàn ha với sản lượng hàng năm đạt trên 95 ngàn tấn, đưa Ninh Phước trở thành vựa lúa trọng điểm của toàn tỉnh.
Riêng năm 2010, toàn huyện gieo trồng 13.760 ha lúa đạt sản lượng 78.310 tấn và 1.789 ha bắp đạt sản lượng 11.251 tấn. Đất nông nghiệp được chủ động tưới kết hợp nguồn lực đầu tư thâm canh của nông dân đã cho những mùa vàng bội thu, bảo đảm đời sống no ấm. Tính riêng giai đoạn 2006- 2010, Nhà nước đầu tư trên 420 tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn huyện Ninh Phước. Ngoài hồ chứa nước Lanh Ra, địa phương đang tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng hồ Bàu Zôn có sức chứa 1,6 triệu mét khối nước vốn đầu tư 32,5 tỉ đồng tưới cho 145 ha của xã Phước Hữu. Và hồ Tà Ranh có sức chứa 1,2 triệu mét khối nước, vốn đầu tư 33 tỷ đồng phát huy hiệu quả tưới cho trên 100 ha xã Phước Thái từ vụ mùa 2010. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 69 tuyến kênh cấp 3 được kiên cố hóa với chiều dài 63,8 km bảo đảm nước tưới cho 7.500 ha lúa ba vụ từ hệ thống thủy lợi Nha Trinh- Lâm Cấm.
Ngoài ra, nông dân còn chủ động đặt máy bơm tưới cho hàng ngàn ha đất gieo trồng hoa màu dọc các tuyến kênh chính và lấy nước phục vụ chăn nuôi gia súc. Trong đó có nhiều loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao như thuốc lá, bắp lai, nho, táo, mía đường. Hệ thống thủy lợi đầu tư tạo động lực phát triển sản xuất đưa giá trị ngành nông nghiệp huyện Ninh Phước tăng trưởng hàng năm trên 13%. Từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp kết hợp các chính sách đầu tư của Nhà nước giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 14,1% năm 2006 xuống còn 8,5% vào cuối năm 2010.
Trong những năm tới, huyện Ninh Phước xác định nông nghiệp là ngành sản xuất chính, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Hình thành các vùng chuyên canh lúa giống, trồng cây ăn trái, sản xuất rau sạch ở các xã An Hải, Phước Hải, Phước Sơn, Phước Vinh… Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi tưới tiêu hợp lý tăng hệ số sử dụng đất canh tác lên 2,8 lần/năm. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi năm 2011 là 57,5 tỷ đồng tăng lên 140 tỷ đồng vào năm 2015. Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao góp phần đưa tốc độ kinh tế địa phương tăng trưởng từ 13,5% lên 21,7%, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,5% hiện nay xuống còn 3,5% vào năm 2015, nâng cao toàn diện đời sống nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới phồn vinh.
Sơn Ngọc