Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình về đại ngàn Bác Ái đầy huyền thoại bằng một đoạn trong nhạc phẩm Giấc mơ Chapi của Nhạc sĩ Trần Tiến: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người yêu nhau/ Họ đã sống không mùa đông…/ Chỉ có một mùa yêu nhau…”.
Làng tái định cư Phước Thắng – một trong những biểu hiện trù phú của Bác Ái.
1. Tết Tân Mão 2011, Bác Ái tròn “11 tuổi”, tính từ khi được tái lập vào năm 2001. Mười một năm với những đổi thay được đong đầy bằng chính quyết tâm của Ðảng bộ và của bà con Ra glai nơi vùng cao này.
Những năm giữa thập niên 80 (thế kỷ trước) khi còn trong ngành GD-ÐT, tôi đã đôi lần về công tác ở xã Phước Ðại – “thủ phủ” của Bác Ái hôm nay. Ngày ấy, con đường dài gần 40 km, từ ngã ba Ninh Bình (Tân Sơn – Ninh Sơn) đến trung tâm xã phải qua không ít đoạn đồi dốc cheo leo, suối ngầm, đá gộp; thậm chí có đến 3-4 km vượt rừng vắng vẻ, nguy hiểm. Ðêm về, trong câu chuyện với các cán bộ xã bên “bếp lửa hồng bập bùng soi vách núi” thoảng nghe tiếng mảng, tiếng nai gọi bầy, nhóm thầy giáo chúng tôi lại cảm thấy nao lòng về cuộc sống của bà con Ra glai địa phương. Cuộc sống của một cộng đồng du canh du cư: đầu mùa mưa lên núi đốn cây, phá rừng làm rẫy; xong đợt “tỉa thả, chờ nước trời” thì đi bẫy thú rừng làm thực phẩm khô hoặc đổi cho người miền xuôi lấy vài ba thứ nhu yếu phẩm gọi là… Phước Ðại ngày ấy được xem là… hoành tráng nhất trong 7 xã phía Bắc Ninh Sơn (năm 2001, tất cả được chia tách về Bác Ái) với hơn 400 hộ, nhưng số gia đình có xe máy chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người Kinh đến định cư làm ăn, buôn bán.
Thời gian tựa “bóng câu qua cửa sổ”, mấy năm sau ngày Ninh Thuận được tái lập (4-1992), đời sống của người dân ở hầu hết các địa phương trong tỉnh ngày càng sung túc hơn. Riêng Bác Ái, dường như chưa có sự đổi thay nào đáng kể. Vẫn những lề thói sinh hoạt cũ, vẫn lối mòn du canh du cư giữa hai mùa mưa – nắng, người Ra glai Bác Ái vì thế vẫn cứ chọn đại ngàn, núi đá làm nẻo mưu sinh. Kỹ thuật canh tác thấp, lại thêm đất rừng bạc màu chỉ sau vài mùa rẫy, những con người kiên trung trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Pháp, Mỹ thuở nào, không thể chống chọi được với cuộc chiến đói nghèo. Cho đến một ngày…
2. Giữa năm 2001, Bác Ái được tái lập gồm 9 xã, với gần 18.000 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Ra glai (96%), trong đó trên 90% nghèo đói và mù chữ. Tổng diện tích toàn huyện là 103.090 ha, nhưng chỉ có khoảng 8.250 ha đất canh tác.
Thế nhưng chỉ trong vòng một thập niên, từ các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ triển khai năm 2009, đời sống của người dân Bác Ái được cải thiện rõ nét. Tính đến nay, huyện đã khai hoang, giải quyết gần 1.500 ha đất sản xuất cho dân, hỗ trợ đất ở cho 254 hộ và hỗ trợ nhà ở cho trên 2.000 hộ. Từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, địa phương đã có đến 22 dự án thủy lợi được xây dựng, phục vụ sản xuất, trong đó hồ Sông Sắt dung tích 69 triệu m3 đang phát huy hiệu quả, đưa diện tích chủ động nước từ 720ha lên 2.100ha. Riêng diện tích trồng lúa nước tăng 1,5 lần, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha/vụ.
Những con số được liệt kê trên đây chưa hấp dẫn bằng những điều “mắt thấy tai nghe”.
…Giữa tháng 4-2010, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, thống nhất đất nước, tôi cùng mấy người bạn đồng nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh về thăm lại vùng chiến khu Bác Ái kiên cường xưa. Suốt dọc dài từ Phước Tiến đến Phước Thắng, qua Phước Ðại, lên Phước Thành rồi vòng sang hồ thuỷ lợi Sông Sắt, từng nét đổi thay đang hiện hữu trên “xứ sở Chapi”. Thấp thoáng trong những vườn điều xanh thẫm màu lá là những ngôi nhà xây cấp 4 còn rực màu ngói mới của bà con Ra glai. Những làng tái định cư sạch đẹp, tinh tươm như tiếp thêm dáng vẻ của một “tiểu đô thị” trên vùng cao này. “Tất cả đã thay đổi, một sự thay đổi ngoài mong ước” nhiều người trong chúng tôi thầm nghĩ.
Còn nhớ năm 2002, khi quốc lộ 27B (có tổng chiều dài gần 50km, từ thị trấn Tân Sơn– Ninh Sơn, nối Cam Thịnh Ðông (Cam Ranh– Khánh Hòa) đang được thi công, ông Hồ Văn Hùng – lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Bác Ái – rất lạc quan bảo rằng đây là tuyến giao thông huyết mạch được ví như… “cột sống” để Bác Ái phát triển.
Trải lòng về sự “thay da đổi thịt” của Bác Ái, điều tâm đắc nhất được Chủ tịch UBND huyện Pi-năng Thị Thủy nhắc đến là trình độ dân trí của bà con hiện được nâng cao rất nhiều. Chủ tịch UBND huyện nói như… “khoe” rằng toàn huyện hiện có trên 100 con em đang theo học tại các trường Ðại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, chưa kể một số đã tốt nghiệp, đang đi làm tại các cơ quan, ban ngành địa phương. Hằng năm, Bác Ái có khoảng trên dưới 500 thanh niên được đào tạo các ngành nghề: xây dựng, kỹ thuật trồng trọt, thú y, sửa chữa xe máy... Toàn huyện có 35 đơn vị trường học, trong đó một trường trung học phổ thông và một trường dân tộc nội trú: 100% số thôn đều có trường mẫu giáo. Năm 2005, Bác Ái được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2008 tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.
Tầm nhìn đến năm 2015, Bác Ái tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bố trí cây trồng phù hợp nhằm phát huy lợi thế, gắn chặt với thị trường tiêu thụ; mở rộng diện tích gieo trồng lúa nước lên 3.500 ha tại những vùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi hồ Sông Sắt. Ðặc biệt, khi 3 hồ Phước Trung, Trà Co, Tân Mỹ hoàn thành sẽ tạo nên hệ thống thủy lợi liên hoàn, đánh thức miền đại ngàn khô cằn này.
3.Tết 2011 này, nhằm vào mùa… uống rượu của những người anh em Ra glai ở Bác Ái, mừng một năm thu hoạch vun vén và chuẩn bị cho mùa rẫy mới.
Trên dặm đường du xuân qua vùng đại ngàn này, du khách hẳn sự nghe đâu đó vọng lại tiếng kêu “be be” của những chú dê, cừu gọi bầy, tiếng giã gạo nhịp nhàng của các cô thôn nữ, tiếng trẻ em chơi đùa và cả tiếng gà đồi gáy bên nương.
Miền sơn cước Bác Ái hôm nay hiếm hoi lắm mới tìm lại được cây đàn mơ tưởng Chapi (loại đàn làm bằng ống lồ ô). Nhưng về với người anh em Ra glai thật thà, hiếu khách trong mùa uống rượu, nếu dừng chân ở bất kỳ ngôi nhà sàn đơn sơ nào, bạn cũng có thể được mời một chén rượu cần.
Bác Ái giờ đây đã xa rồi tình cảnh “mùa đông thiếu áo – mùa hè thiếu cơm”. Nắng ấm đang trải rộng trên khắp các đỉnh Ma Trai, Chuan, Kanan, Chapơ hùng vĩ để gái trai làng mãi sống yên bình không mùa đông, chỉ có mùa… yêu nhau trọn vẹn đầy chất thơ, tựa như Giấc mơ Chapi.
Lê Trường