Thuận lợi và thách thức
Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn (2006-2010) trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen: kinh tế thế giới tiếp tục trên đà phục hồi nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều bất ổn của giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kinh tế trong nước phục hồi và tăng trưởng khá nhưng vẫn chứa đựng nguy cơ tái lạm phát và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá cả tăng cao ngay trong những tháng đầu năm. Cộng với sự diễn biến thất thường của thời tiết làm ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Mặt khác, nền kinh tế của tỉnh có qui mô nhỏ, sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn yếu, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng kịp cho yêu cầu phát triển. Không những vậy, trong năm tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc lây lan trên diện rộng, nhất là trận lũ lụt vào cuối tháng 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế và dân sinh trong tỉnh trên 1.120 tỷ đồng… Bên cạnh những khó khăn nêu trên tỉnh ta vẫn có nhiều thuận lợi căn bản. Đó là, UBND tỉnh đã bám sát các chủ trương, chính sách và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đồng thời xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế địa phương. Cụ thể như các chủ trương, định hướng lớn về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đều tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện. Một trong những thuận lợi cơ bản là đã hoàn thành toàn bộ nội dung Qui hoạch tổng thể của tỉnh … nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn tới, xây dựng “thương hiệu” mới cho tỉnh, theo tư duy mới, có tầm nhìn chiến lược, tính cạnh tranh cao…Với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời có hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhân dân trong tỉnh trong việc khai thác có hiệu quả những lợi thế, biến khó khăn thành cơ hội để vượt qua và phát triển đã góp phần đưa tốc độ tăng GDP của tỉnh năm 2010 đạt 11,8%, cao hơn 4,5% so với năm 2009 và vượt 0,8% kế hoạch năm.
Những chỉ số tăng trưởng đáng ghi nhận
Năm 2010, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng có thể nói bức tranh kinh tế của tỉnh đã ngày càng được tô đậm bởi những mảng màu sáng. Trong chỉ số tăng GDP 11,8% , ngoại trừ khu vực nông-lâm nghiệp giảm 2,6% do ảnh hưởng thiên tai, riêng thủy sản tăng 5,5% (vượt 1,5% KH) thì các khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 21,3%; dịch vụ tăng 12,1%, đạt KH đề ra. Điều cũng đáng nói là cơ cấu kinh tế đã từng bước chuyển dịch đúng hướng: giảm tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 44,7% năm 2009 xuống còn 42,6%; tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 21,5% lên 22,2% và dịch vụ từ 33,8% lên 35,2%.
Công nhân Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Yến Việt đóng gói thành phẩm nước yến.
Ảnh: Mai Linh
Đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà, đầu tiên phải kể đến ngành nông nghiệp. Trong năm, sản xuất nông nghiệp nhìn chung không thuận lợi do ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết, giữa năm nắng hạn, cuối năm lũ lụt gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất, nhất là lĩnh vực trồng trọt, giảm cả về diện tích lẫn năng suất. Tuy nhiên, trong nội bộ ngành cơ cấu cây trồng đã chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày (tăng 27%), nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, giá cả tiêu thụ một số mặt hàng nông sản thuận lợi cho nông dân...Về chăn nuôi, đàn gia súc phát triển ổn định, chất lượng được nâng lên, riêng đàn bò tỷ lệ sind hóa đạt 33%. Tổng đàn gia cầm tăng 20,7% so cùng kỳ, trong đó đàn gà tăng 17,4%, đàn vịt tăng 23,4%. Về thủy sản, tăng cả năng lực và sản lượng khai thác hải sản (tăng 4%); quy mô sản xuất giống được mở rộng, riêng sản lượng tôm giống tăng 31,4%; diện tích thả nuôi tôm thịt tăng 9,1%.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Duy Anh
Ngành công nghiệp sau một thời gian trì trệ thì năm 2010 đã có sự bứt phá với giá trị sản xuất tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng cao như chế biến thủy sản tăng 2,7 lần, xi măng tăng gấp 2 lần, sản xuất muối tăng 2,2 lần… Nhìn chung, năm 2010 cùng với sự phục hồi kinh tế cả nước nói chung, ngành công nghiệp Ninh Thuận đã có sự khởi sắc, các dự án đầu tư mới được khởi công cùng với chính sách thu hút mời gọi của tỉnh, đồng thời những dự án triển khai từ năm 2008-2009 cũng được đẩy nhanh tiến độ và đi vào họat động trong năm như: Nhà máy sản xuất đá ốp lát granite (Công ty CP Khoáng sản Việt nam, Công ty Tân Sơn Hoa Cương); Nhà máy chế biến nước yến (Công ty Yến Việt); Nhà máy sản xuất bao bì nhựa (Công ty Thảo Điền); Nhà máy chế biến muối tinh (Công ty Hạ Long);...đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của cả năm 2010.
Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển đúng hướng với chỉ số giá trị gia tăng đạt 12,1% và chiếm 35,2% trong GDP của tỉnh. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là ngành thương mại đã đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rộng khắp và có hiệu quả. Ngành du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách, kết hợp tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh…nên lượng khách thu hút tăng 25% so cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến , giá trị xuất khẩu đạt 50 triệu USD, tăng 29,3% so cùng kỳ…
Nhà máy xi-măng Luks. Ảnh: Thanh Long
Trong năm 2010, yếu tố cũng không kém phần quan trọng để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh đó là huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội. Theo thống kê, trong năm toàn tỉnh đã huy động đạt trên 5.360 tỷ đồng, tăng 29%, trong đó vốn ngân sách do tỉnh quản lý 1.860 tỷ đồng chiếm 35%, tăng 8,3%; Vốn đầu tư doanh nghiệp và dân cư 3.500 tỷ đồng chiếm 65%, tăng 43,9% so cùng kỳ năm 2009.Ngoài ra, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt nhiều kết quả khả quan. Trong năm đã có 7 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký 107.400 tỷ đồng…
Với vai trò là “ bà đỡ” của các ngành kinh tế, năm 2010 tổng doanh số các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào nền kinh tế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2009. Trong đó, nông nghiệp-thủy sản chiếm 28,4%, tăng 26%; công nghiệp-xây dựng chiếm 25,9%, tăng 28,5%; thương mại, dịch vụ, tiêu dùng chiếm 45,7% , tăng 24,7%.
Khó có thể nói hết những nỗ lực qua một năm phấn đấu để đưa “con thuyền” kinh tế của tỉnh “vượt sóng” để tiếp cận với đại dương phát triển. Những thành tựu đạt được không chỉ là cơ sở mà còn là kinh nghiệm vượt khó đi lên. Năm 2011 là năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra. Với các chính sách và biện pháp sát hợp với thực tiễn địa phương gắn với chỉ đạo của Trung ương... Tin rằng, Ninh Thuận tiếp tục tạo được điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế khu vực và cả nước đồng thời để lại ấn tượng tốt với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuấn Dũng