Nông, thương, kinh tế thị trường và sự lựa chọn của chúng ta

Hơn 20 năm đổi mới đất nước, sự nỗ lực của cả dân tộc Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng.

1. Trải qua bao lâu rồi cũng đến ngày nhân loại tìm được cho mình một con đường khá sáng sủa: kinh tế thị trường.

Hơn 20 năm đổi mới đất nước, sự nỗ lực của cả dân tộc Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng. Từ đó, câu chuyện làm sao để ngày càng thích nghi hơn với mô hình kinh tế thị trường và biến nó thành một thứ hữu ích trong tiến trình thăng hoa của đất nước không chỉ là những dự định và ấp ủ. Hẳn nhiên, sự nỗ lực này của Việt Nam không hề cô độc, mà luôn được tiếp sức và hỗ trợ từ phía cộng đồng quốc tế.

Quầy giao dịch của Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Duy Anh

Cho nên, không một ai trong chúng ta không cảm thấy sung sướng khi quốc gia trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kể từ thời khắc quan trọng này, Việt Nam đã chính thức hội nhập một cách toàn diện với nền kinh tế thế giới. Và chính điều này buộc chúng ta phải hiểu rằng, thách thức đối với chúng ta không phải là không nhiều. Trong vòng 12 năm, kể từ khi đặt chân vào sân chơi chung rộng lớn, Việt Nam vẫn phải tiếp tục bị các nước thành viên nhìn nhận là nền kinh tế phi thị trường. Mọi sự bình bằng chỉ có thể thật sự đến khi chúng ta nỗ lực hết sức mình để được các quốc gia thành viên thừa nhận là có nền kinh tế thị trường, rằng chúng ta tồn tại và phát triển trong môi trường, điều kiện thương mại bình thường; tương tự như họ.

Vậy là, niềm trăn trở của quốc gia hơn 20 năm cũng không nằm ngoài dự tính chung của toàn cầu. Có điều, con đường và phương cách nào để chúng ta đi và nhanh chóng đặt chân tới đích? Quả thật, không dễ để có ngay được câu trả lời trước những biến chuyển khôn lường của thời cuộc.

2. Tôi mạn phép được góp phần tìm kiếm thêm manh mối bằng một câu nói mà có thể người Việt Nam nào cũng biết: Phi thương bất phú.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, có người cho rằng, câu nói này là của một nhà nho Việt, hoặc có thể là một trong những biến thể từ câu nói nào đó của ông.

Nhưng đa phần các ý kiến đều cho rằng, nguồn gốc của câu nói đó có từ thời Xuân Thu, do một nhà kinh tế của Trung Quốc có tên là Quản Trọng phát biểu.

Có lẽ, ngay tại đây, việc truy tìm gốc gác của câu nói không còn thật sự quan trọng. Hữu ích hơn là chúng ta định vị nó ra sao trong câu chuyện đầu xuân này.

Hóa ra, sau một hồi ngẫm nghĩ, cái giá trị của kinh tế thị trường bao nhiêu năm nay được thừa nhận là phát kiến của người phương Tây lại là ý niệm của người phương Đông từ rất sớm. Và cả Adam Smith, người được mệnh danh là ông tổ của các lý thuyết kinh tế học hiện đại, cũng có thể chỉ được xem chỉ là hậu duệ của lớp người sống từ hơn 700 năm trước Công nguyên.

Tại sao? Thử nghĩ tới một đòi hỏi quan trọng của kinh tế thị trường thì giá trị của câu Phi thương bất phú sẽ bừng sáng: Kinh tế hàng hóa – vật phẩm sản xuất ra phải là hàng hóa. Cho nên, cần có buôn bán và lưu thông. Cho nên, điều cốt tử để phát triển kinh tế thị trường là thiết lập và hoàn thiện mạng lưới phân phối. Cho nên, quyết sách và chiến lược của các địa phương cũng cần phải tập trung vào nhóm giải pháp này. Tăng năng suất là cần thiết, nhưng nếu không mua bán và trao đổi được, thì tăng năng suất để làm gì?

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên

Ở thời Xuân Thu, có thể người ta không biết thế nào là kinh tế hàng hóa hay thị trường, nhưng người ta biết cần phải làm như kinh tế hàng hóa thì mới có thể giàu sang, phú quý và quốc gia mới hưng thịnh. Đây là điều mà chúng ta có thể đem ra lý giải tại sao trong cuộc họp giới doanh nhân Hoa – Đức năm 2004, Alexander Erdland, Chủ tịch điều hành Schwabisch Hall lại phát biểu rằng: “Thật thú vị đến mức không thể tin được khi thấy cách mà dân Trung Quốc tiến lên phía trước”.

Rõ ràng, không đến mức phải dò dẫm vì chúng ta cũng đã sẵn có khá nhiều manh mối. Nhưng quả thật, nếu kinh tế thế giới không khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu không bị ngưng trệ thì có lẽ chúng ta cũng chưa có được những hành động rất tích cực để xây dựng mạng lưới phân phối tại sân nhà như quãng thời gian gần đây.

Hệ thống Siêu thị Co.op Mart hiện diện tại Ninh Thuận vào năm 2009 là một điển hình. Hoạt động phân phối sản phẩm nói riêng và diễn biến thị trường nói chung đã đổi khác. Tất cả đã thể hiện khá rõ ở mùa sắm tết năm ngoái, và cả năm nay: Giá cả duy trì ổn định, nhà buôn bên ngoài không còn điều kiện để mặc sức “tăng giá cỡ nào cũng phải mua” và đặc biệt là người dân đã biết làm quen dần với văn hóa mua sắm mới, khá văn minh. Nhưng trên hết, là từ đây nhiều sản phẩm của Ninh Thuận đã được đặt trên kệ, không chỉ ở Co.op Mart Ninh Thuận mà còn trong tất cả hệ thống; nào là nho Phan Rang, mắm Phan Rang, táo Phan Rang, mủ trôm Phan Rang,… Chỉ dẫn địa lý Phan Rang đang dần dần định hình như một thương hiệu mới.

3. Nhưng có lẽ, đã bàn thì phải đi cho hết câu chuyện. Tôi muốn nói đến câu Phi nông bất ổn của người dân Việt ta, Lê Quý Đôn. Phải chăng quan niệm này không còn đáng để chúng ta quan tâm đến giá trị?

Trong rủi đôi khi cũng có may. Đó là lý do mà một lần nữa tôi nhắc lại cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Kể cả những khắc phục đã thực hiện thời gian qua và cho đến bây giờ, giải pháp quan trọng và có tầm chiến lược vẫn là những kiến giải về tái cấu trúc nền kinh tế, cả ở vĩ mô và vi mô. Tuy nhiên, ở bình diện rộng, việc sắp đặt đúng thứ tự ưu tiên của ba chân trụ Công, Nông và Dịch vụ trở nên cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định. Rõ ràng, nền kinh tế rất dễ lâm vào cảnh phập phù khi người người không làm mà chỉ hưởng thụ. Kinh tế dịch vụ quan trọng, nhưng chỉ có thể vững bền và dài lâu khi mỗi chúng ta đã có đủ điều kiện chăn êm nệm ấm. Cho dẫu thế nào, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất cũng cần phải được coi trọng. Chữ nông của người xưa hàm ý điều này. Và chữ nông xưa cũng nhắc nhở chúng ta rằng, đừng để nền kinh tế bóng bóng xuất hiện, dù chỉ là nguy cơ.

4. Ông cha ta cũng dặn dò: Tùy mỗi điều kiện và hoàn cảnh mà có sự ứng biến linh hoạt. Thậm chí, cần thiết phải biết cách phát huy tổng lực mọi thành tố để tiệm cận mục tiêu, như con mèo biết dùng cả chân nhanh, vuốt nhọn, mắt tinh và thân hình dẻo dai để bắt mồi.

Ngày nay, khoa học-kỹ thuật, công nghiệp đã phát triển, chẳng có một tập đoàn tài chính nào chỉ buôn bán đơn thuần mà lắm tiền được. Vì vậy, cần phải biết cách phát huy hiệu nghiệm quan điểm về nông và thương.

Nền kinh tế mạnh là nền kinh tế biết cả tăng năng suất và thương mại giỏi. Nếu không, mọi hướng đi có thể là ngõ cụt.