Thời gian gần đây, Ninh Thuận đã được nhiều người trong và ngoài nước chú ý, vị thế của Ninh Thuận ngày càng được nâng cao. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nghe ngóng, chờ đợi để đến với vùng đất đầy tiềm năng nhưng còn chậm phát triển này. Sau Festival Ninh Thuận 2007 và đặc biệt là sau Hội nghị Xúc tiến Ðầu tư năm 2009, khách du lịch đến với Ninh Thuận ngày càng tăng. Tuy vậy, Ninh Thuận vẫn còn mờ nhạt trên bản đồ du lịch của khu vực và cả nước. Khách du lịch đến Ninh Thuận cũng chủ yếu là ghé thăm rồi ra Nha Trang, vào Phan Thiết hoặc lên Ðà Lạt, ít khi lưu trú dài ngày. Ðiều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhà đầu tư du lịch nói riêng và doanh thu của ngành du lịch nói chung.
Ai cũng nói, Ninh Thuận có tiềm năng phát triển du lịch. Vậy tiềm năng ấy là cái gì? Ở đâu? Bao giờ được đánh thức? Ðâu là cơ hội và đâu là thách thức?
Vài nét về tiềm năng,lợi thế
Lợi thế về giao thông: Nằm trên quốc lộ 1A, có các trục giao thông quốc gia nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và vào Nam ra Bắc, chỉ cách sân bay và cảng Cam Ranh 60 km, Ninh Thuận rất có lợi thế về giao thông cả về đường bộ, đường không và đường biển.
Lợi thế về biển: Các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho rằng, những quốc gia hay những địa phương có biển đều có chỉ số lợi thế trong sự phát triển. Hơn 100 km bờ biển có những dãy núi cao lan ngang ra tận mép biển tạo nên những bờ bãi, vũng, vịnh với cát trắng, biển xanh làm cho Ninh Thuận được xếp vào loại có bờ biển đẹp nhất nước. Do chưa có con đường ven biển nên Ninh Thuận là địa phương phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển vào loại chậm nhất nước. Nhưng đây lại chính là lợi thế vì đa phần bờ biển của Ninh Thuận còn hoang sơ, trong khi đó hoang sơ lại chính là thứ mà khách du lịch thời hiện đại cần tìm đến vì nó gắn với sinh thái. Khi làm xong con đường ven biển, các nhà đầu tư hạ tầng du lịch sẽ vào, nhưng các nhà quản lý du lịch phải yêu cầu tuân thủ nguyên tắc là phải giữ được vẻ hoang sơ, xây dựng cơ sở hạ tầng phải gắn với bảo tồn đa dạng sinh học mới có thể nhắm đến nhu cầu du lịch thời hiện đại.
Suối Thương, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn.Ảnh: CTV
Lợi thế về văn hóa: Trong số những người làm du lịch, không phải ai cũng có thể hiểu được giá trị văn hóa đem lại cho du lịch. Có thể vì những yếu tố văn hóa không trực tiếp đưa đến lợi nhuận ngay tức thì nhưng chính văn hóa là sự hấp dẫn khách đến và níu kéo khách ở lại đến nhiều lần. Nhiều người hiểu rằng văn hóa Chăm, Ra glai, các di tích, danh thắng là đặc sản văn hóa của Ninh Thuận, nhưng ở đâu? Ðặc sắc ở điểm nào? Làm sao biến nó trở thành sản phẩm du lịch thì nhiều người còn đang mơ hồ đâu đó.
Lợi thế về sự phát triển: Thời gian gần đây, Ninh Thuận được chú ý bởi được tư vấn nước ngoài xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đang quyết tâm nâng cao chỉ số cạnh tranh và có nhiều tư duy mới, cách làm mới trong việc kêu gọi đầu tư. Mặc dù còn đang trong giai đoạn nghe ngóng, quan sát, thăm dò, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư còn chậm tiến độ nhưng thời gian gần đây đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận ký kết, thậm chí đã xuất hiện các yếu tố cạnh tranh trong đầu tư.
Ninh Thuận đã được Nhà nước chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Không ít người nghĩ rằng nhà máy điện hạt nhân sẽ làm hạn chế phát triển du lịch nhưng hoàn toàn ngược lại. Bản thân điện hạt nhân là thân thiện với môi trường, là loại năng lượng sạch. Tôi đã có dịp đến thăm một số nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, bên cạnh khu nhà máy điện hạt nhân vẫn là những địa điểm du lịch biển, vẫn là những bãi tắm, bản thân nhà máy điện hạt nhân cũng chính là một địa điểm tham quan hấp dẫn. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ có nhiều dự án công nghiệp phụ trợ, dịch vụ du lịch phục vụ cho các dự án này cũng là một vấn đề mà ngành du lịch tỉnh nhà cũng phải chú ý và chuẩn bị để đón đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế là cơ hội, du lịch Ninh Thuận cũng đang đối đầu với không ít thách thức. Ðó là xuất phát điểm về kinh tế và chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh thấp, cơ sở hạ tầng du lịch lạc hậu, vệ sinh môi trường ở các khu du lịch chưa đảm bảo, tư duy cũng như phương pháp làm du lịch còn manh mún, lạc hậu, do doanh thu thấp nên một số cơ sở du lịch phải làm theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài", phong cách dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp, sự phối hợp giữa các ngành liên quan đến du lịch như thương mại, dịch vụ, quy hoạch đô thị, văn hóa, thủy sản, chính quyền địa phương còn thiếu đồng bộ v.v…
Vài nét về định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận
Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch được xếp thứ hai trong 4 ngành kinh tế trụ cột và 6 ngành kinh tế trọng điểm. Ðây chính là một thuận lợi lớn về mặt chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2015, đón khoảng 1,3 đến 1,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 14% – 15% và đến năm 2020 đón 2,5 đến 3 triệu lượt khách, đóng góp 8% GDP và giải quyết 10% lao động xã hội vào năm 2020. Ðể thực hiện được các chỉ tiêu trên, du lịch phải phát triển toàn diện để khai thác tiềm năng lợi thế bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ du lịch. Du lịch Ninh Thuận trong những năm tới cần phát triển theo 3 định hướng sau:
Một là: đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp.
Hai là: Xây dựng các dịch vụ du lịch có tính chất khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có sự hấp dẫn. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các sản phẩm độc đáo của địa phương như các sản phẩm làng nghề, các đặc sản của địa phương như các sản phẩm từ nho, thịt cừu, táo, hành tỏi v.v…
Ba là: Phát triển các loại hình du lịch tích hợp. Xây dựng các loại hình du lịch cao cấp như xây dựng sân golf, khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao, hình thành các khu du lịch biển và dịch vụ cao cấp để thu hút tầng lớp khách có thu nhập cao, tầng lớp người giàu, xây dựng các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, thu hút các loại hình Spa cao cấp có thương hiệu, khai thác lợi thế về nắng và gió, bãi biển, bãi cát để phát triển các môn thể thao kết hợp du lịch trên mặt biển, dưới mặt biển, trên cát, trên bãi biển.
Bên cạnh những định hướng cơ bản để phát triển du lịch bền vững, trước hết cần có sự hợp sức của các ngành, các cấp tập trung để quảng bá về đất, con người Ninh Thuận, đó chính là thương hiệu “Ninh Thuận”. Khi có thương hiệu, người dân Ninh Thuận ở bốn phương sẽ tìm về, khách lạ bốn phương sẽ tìm đến, tiềm năng lợi thế mới được đánh thức, du lịch Ninh Thuận mới có cơ hội để cất cánh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Phan Quốc Anh- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch