Trải qua một năm mà những khó khăn của nền kinh tế thị trường đã thực sự “ngấm” vào năm 2010. Vì vậy, DN nào không đủ tiềm lực về tài chính, quản trị và những giải pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có sức thuyết phục sẽ khó có thể chống đỡ được. Đầu Xuân Tân Mão 2011, phóng viên Báo Ninh Thuận đi “xông đất” để lắng nghe tâm sự của các doanh nhân về chiến lược của mình trong năm con Mèo này.
Ông Vũ Hữu Tuân – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận:
Năm 2011 với nhiều dự án “cỡ lớn” được triển khai
Bên tách trà đầu xuân, ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận tâm sự: “Năm 2010, năm có nhiều biến động trong thị trường kinh doanh-xây dựng, nhưng công ty đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra”.
Trong năm, tổng doanh thu của công ty đạt 250 tỷ đồng; nộp ngân sách 12 tỷ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 500 cán bộ, người lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Để có được những con số trên, Ban giám đốc Công ty đã mua sắm nhiều thiết bị chuyên dùng và mở rộng dây chuyền sản xuất gạch tuy-nen công suất đạt trên 130 triệu viên/năm, xây dựng nhà máy sản xuất bê-tông ống, công suất 100 mét/ngày; nhà máy sản xuất bê-tông nhựa nóng công suất 90 tấn/giờ; nhà máy sản xuất đá xây dựng công suất 60 tấn/ngày.
Năm 2011, đơn vị chủ động đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu và tăng khả năng đóng góp ngân sách cho tỉnh. Ngoài các hoạt động chính sản xuất, kinh doanh-xây dựng tiếp nối năm 2010, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, ngành nghề kinh doanh-xây dựng, đầu tư thiết bị chuyên dụng, đưa công ty lên tầm cao mới. Đặc biệt công ty sẽ thực hiện 5 dự án trọng điểm: vận hành các nhà máy được xây dựng trong năm 2010 đã tăng sản lượng sản xuất đá xây dựng gấp 5 lần so với năm 2010; Đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung, công suất 10 triệu viên/năm và nhà máy sản xuất ngói màu cao cấp công suất 1 triệu viên/năm mang thương hiệu BETONY (Khi nhà máy này đi vào hoạt động, giải quyết cho 80 lao động địa phương); Thăm dò, khảo sát và khởi công nhà máy đá granite; Xây dựng dự án khu đô thị cao cấp phía Nam đường 16 Tháng 4, với tổng vốn 500 tỷ đồng; Xây dựng, phát triển công ty trở thành nhà cung cấp dịch vụ lớn về xây dựng trong tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Phấn đấu tổng doanh thu đạt từ 250 - 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15 tỷ đồng.
Ông Đào Văn Chân – Tổng GĐ Công ty CP Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận:Tiếp tục đầu tư công nghệ, giữ vững doanh số, tăng thu nhập cho người lao động
Năm 2010, trong bối cảnh của ngành điều cả nước: nguyên liệu thiếu hụt, lao động bị cạnh tranh gay gắt bởi hệ thống các khu công nghiệp ở những thành phố lớn, chi phí vật tư tăng cao, tình trạng thiếu điện diễn ra thường xuyên…, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận vẫn giữ vững chỉ tiêu sản xuất và đảm bảo doanh số. Trong 5 mặt hàng của công ty, nhân điều đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất: gần 27 triệu USD (với sản lượng tiêu thụ trên 5.000 tấn), tiếp đến là sắn lát: hơn 4,1 triệu USD (19.600 tấn); 3 mặt hàng còn lại là hải sản, vỏ lụa, dầu điều đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 triệu USD.
Trong năm 2011, để tháo gỡ khó khăn về nguồn lực lao động, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ cắt tách hạt điều tự động (bao gồm: hệ thống máy cắt tách, hệ thống sàng tách nhân và các hệ thống phụ trợ khác) để tăng sản lượng sản phẩm và năng suất chế biến. Chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh của công ty trong năm 2011 sẽ xuất khẩu nhân điều 7.000 tấn, sắn lát: 40.000 tấn, hải sản: 300 tấn, nguyên liệu điều thô: 8.000 tấn, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 58 triệu USD.
Mục tiêu của công ty là hoạt động có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách, tăng thu nhập của người lao động với mức bình quân: 2 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lê Thị Yến Trinh – Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Thuận:Tiếp tục giữ vững thị phần, mở rộng thị trường mới
Công ty May Tiến Thuận, đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng xuất khẩu áo ấm trực tiếp sang các thị trường Mỹ. Giám đốc Lê Thị Yến Trinh cho biết, năm 2010, mặc dù bị ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới nhưng Công ty May Tiến Thuận đã vượt qua khó khăn, tìm kiếm thị trường để hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, với tổng doanh thu 51,5 tỷ đồng; giải quyết cho 1.150 lao động có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/ tháng. Để đứng vững trên thị trường, Công ty đã thực hiện đa dạng sản phẩm, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, giữ chữ tín trong sản xuất kinh doanh. Năm 2010, Công ty May Tiến Thuận là một trong số ít doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động ổn định tại tỉnh ta.
Năm 2011, Công ty May Tiến Thuận đặt mục tiêu kinh doanh là giữ được thị trường, thị phần, đồng thời tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường mới ở các nước khu vực EU, Nhật, Singapore. Phương châm hoạt động của công ty là thoả mãn được 4 lợi ích: nhà đầu tư, Nhà nước, người lao động và cộng đồng. Để đạt đươc mục tiêu trên, tập thể lãnh đạo và công nhân quyết tâm đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, đảm bảo đúng tiến độ, sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả cao, chỉ tiêu phấn đấu của công ty là: doanh thu đạt 58 tỷ đồng, lợi nhuận 4,8 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,6 tỷ đồng. Dự kiến, công ty tiếp tục đầu tư 5 chuyền may để giải quyết thêm 300 lao động địa phương.
Lê Trường – Xuân Bính (thực hiện)