Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước (BCĐ) Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Thường trực BCĐ gồm Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban và Trưởng Tiểu ban chuyên trách, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Quy chế cũng nêu rõ, Văn phòng BCĐ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là bộ phận tham mưu, giúp việc BCĐ; làm đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương liên quan;...
Ngoài ra, còn có 5 Tiểu ban chuyên trách giúp việc BCĐ gồm: Tiểu ban An toàn và An ninh hạt nhân; Tiểu ban công nghệ lò phản ứng, nhiên liệu hạt nhân và chất thải phóng xạ; Tiểu ban Xây dựng; Tiểu ban Nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ; Tiểu ban Đào tạo và Thông tin tuyên truyền.
Trước đó, ngày 4/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập BCĐ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình thực hiện Dự án này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng BCĐ.
Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho Hệ thống điện quốc gia. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Hai nhà máy có công suất trên 4.000 MW. Nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò điện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư dự toán của dự án này khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án vào quý IV/2008). Theo lộ trình, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
(Theo Chinhphu.vn)