THÀNH PHỐ PHAN RANG-THÁP CHÀM

Phát triển thương mại dịch vụ

Lĩnh vực du lịch có nhiều hoạt động thu hút đáng kể số lượng du khách tham quan du lịch và lưu trú, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố.

Năm 2010, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện đạt và vượt kế hoạch 14/22 chỉ tiêu do Nghị quyết HĐND thành phố giao, trong đó có 6/9 chỉ tiêu kinh tế, 5/9 chỉ tiêu xã hội và 3/4 chỉ tiêu môi trường. Riêng lĩnh vực thương mại-dịch vụ, duy trì tốc độ phát triển ổn định với giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1.316,9 tỷ đồng, tăng 16%.

Năm 2011, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.302,8 tỷ đồng. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ Phan Rang. Ảnh: Văn Miên

Theo đánh giá của UBND thành phố, thương mại-dịch vụ chiếm 57,9% cơ cấu kinh tế. Cụ thể về thương mại có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 4.493,9 tỷ đồng, tăng 28%. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng được triển khai sôi động, việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu được quan tâm ở Siêu thị Coop Mart Thanh Hà với nhiều chủng loại hàng hoá. Lĩnh vực du lịch có nhiều hoạt động thu hút đáng kể số lượng du khách tham quan du lịch và lưu trú, góp phần quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố.

Trong mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng và nông nghiệp-thủy Sản”. Riêng lĩnh vực thương mại-dịch vụ phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.528 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 16-17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.302,8 tỷ đồng, tăng 18%. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư và cạnh tranh lành mạnh, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ như: du lịch, vận tải, bưu chính- viễn thông, xuất-nhập khẩu.

Về giải pháp, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện quy hoạch và xây dựng mạng lưới chợ, siêu thị trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hoá; chuyển đồi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra đăng ký kinh doanh, chống buôn lậu và gian lận thương mại, ổn định giá cả thị trường.