Những ngày trên đất Nhật

Điện hạt nhân - Những điều "Mắt thấy, tai nghe"

Nhật Bản hiện có 55 tổ máy ĐHN đang hoạt động, với tổng công suất 49.467 MW cung cấp 1/3 điện năng của cả nước; 3 tổ máy đang được xây dựng có tổng công suất 3.668 MW.

Tokyo – Ngày đầu tiên. Tại Bộ Kinh tế- Công Thương và Công nghiệp Nhật Bản (METI), ông Hidehiro Yokoo – Trưởng ban về điện thuộc Cục Năng lượng và các thành viên cơ quan đã thân mật tiếp đoàn. Ông cho biết, cách 2 tuần trước ông vui mừng được sang Việt Nam sau 10 năm. Được đặt chân trên đất Ninh Thuận và vùng dự án xây dựng nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN), địa lý và khí hậu nơi đây đã gây ấn tượng đẹp đối với ông và hy vọng có thể cùng nhân dân địa phương cùng hợp tác và phát triển phồn vinh.


Trên công trình ngăn biển và san lấp mặt bằng cao hơn 10 mét so với mặt biển để xây dựng tổ máy số 2 và 3.

Nhật Bản hiện có 55 tổ máy ĐHN đang hoạt động, với tổng công suất 49.467 MW cung cấp 1/3 điện năng của cả nước; 3 tổ máy đang được xây dựng có tổng công suất 3.668 MW. Hội đồng Chính phủ cũng vừa thông qua kế hoạch của Bộ METI Nhật Bản về quy hoạch nguồn năng lượng điện đến năm 2030 với mục tiêu bảo đảm nguồn năng lượng điện không thải ra khí CO2 được nâng lên 80%. Như vậy, Nhật Bản cần xây dựng thêm ít nhất 14 tổ máy ĐHN trong giai đoạn 2010-2030 để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nâng tổng số tổ máy ĐHN ở Nhật lên 68. Và công nghệ hiện đóng vai trò quan trọng quyết định sự an toàn và thành công trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN.

Những vấn đề mà các thành viên trong đoàn đặt ra ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên này như mức độ an toàn của ĐHN, chính sách của Nhà nước đối với vùng dự án, đời sống và đào tạo nghề cho người dân khi xây dựng nhà máy … được bạn cho rằng, đó cũng là những vấn đề mà chính quyền trung ương và các công ty điện lực Nhật Bản luôn luôn quan tâm hàng đầu suốt trong quá trình xây dựng bất cứ một nhà máy ĐHN nào. Ở Nhật Bản sự hợp tác đó được phát triển theo năm tháng. Ông Yokoo cho rằng, Chính phủ rất ưu đãi đối với khu vực có nhà máy ĐHN, trong đó chú ý và tạo điều kiện về xây dựng cơ sở hạ tầng, có chính sách ưu đãi về thuế và phát triển kinh tế khu vực mà đối tượng ưu tiên được hưởng nhiều nhất là cấp tỉnh và làng xã chung quanh có nhà máy ĐHN. Về mức độ an toàn, ông cung cấp tư liệu, hình ảnh và thông tin về trận động đất 6,8 độ richter xảy ra ngày 16-7-2007 – từ tâm chấn động đất đến nhà máy ĐHN Kashiwasaki – Kariwa (gồm 7 tổ máy đang hoạt động) 16 km – nhưng nhà máy đã tự động dừng lò, hoàn toàn không xảy ra sự cố nào.

Ở Nhật Bản các nhà máy ĐHN đều được xây dựng ở vùng ven biển, nhưng hầu hết các vùng lân cận người dân vẫn tổ chức nuôi trồng đánh bắt thủy sản, sử dụng nguồn nước độ ấm cao do nhà máy cung cấp để tái tạo các loài giống thủy sản như cá, tôm, cua, sò… Thường xuyên tổ chức các sự kiện thể thao dưới nước, hình thành nhiều bãi biển thu hút khách du lịch đến tham quan và tắm biển. Khoảng cách từ trung tâm nhà máy ĐHN đến khu dân cư từ 500-600 m, có nơi 1.200m… thậm chí có nhà dân sống sát tường rào ngăn cách nhà máy 50m.


Đoàn tham quan tiếp xúc với đại diện nhân dân trong vùng có nhà máy ĐHN hoạt động ở Nhật Bản.

Cùng ngày, đến thăm Diễn đàn Công nghiệp năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAIF), Chủ tịch Takuya Hattori đánh giá chuyến thăm Nhật Bản của đoàn là rất hữu ích và các bạn sẽ là tuyên truyền viên về ĐHN ở chính tỉnh Ninh Thuận. Ở Nhật Bản, ĐHN phát triển cách đây 50 năm, nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và ngày càng đưa công nghệ hiện đại, bảo đảm tuyệt đối an toàn vào sản xuất. Quá trình từ ý tưởng đến xây dựng, đưa nhà máy ĐHN vào hoạt động, nhiệm vụ hàng đầu là “tuyên truyền công chúng”- sự hợp tác giữa công ty điện lực với nhân dân là vô cùng quan trọng để phát triển ĐHN. Chính độ an toàn và hợp tác phát triển kinh tế nên việc xây dựng ĐHN ở Nhật Bản luôn được thuận lợi. Nhưng ông tin rằng, phát triển nhà máy ĐHN là niềm tự hào của mỗi làng, mỗi xã và tương lai phát triển của con cháu mình. Ông minh chứng - ở những vùng có nhà máy ĐHN, hệ thống giao thông phát triển, y tế, giáo dục được đầu tư tốt hơn, tạo thêm việc làm cho con em trong vùng. Nhà máy ĐHN và nhân dân trong vùng cùng tồn tại và phát triển.

Kakegawa – Ngày thứ hai.Cuộc hành trình xuôi về phương Nam bắt đầu thực địa nhà máy ĐHN Hamaoka của Công ty Điện lực Chubu. Tổ máy số 1 được khởi công xây dựng năm 1971. Trước đó 5 năm- từ năm 1967, Công ty Điện lực Chubu liên tục làm việc, quan hệ với lãnh đạo và nhân dân trong khu vực, tuyên truyền thuyết phục người dân thấy được lợi ích thiết thực của ĐHN, nhất là người dân trong vùng dự án nên tích cực hợp tác, tạo thuận lợi cho việc xây dựng. Và năm 1976, tổ máy số 1 bắt đầu vận hành, đi vào hoạt động, đến năm 2005, cả 5 tổ máy đã đi vào vận hành. 40 năm đi vào hoạt động, Nhà máy ĐHN Hamaoka và nhân dân địa phương có thể nói “gắn bó hằng ngày”- Theo lãnh đạo Công ty cho biết- giữa nhà máy và nhân dân luôn cập nhật và chia sẻ thông tin 2 chiều. Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn, tạo công ăn việc làm cho người dân, hỗ trợ về thuế, tài chính cho địa phương, góp phần phát triển mạnh mẽ KT-XH trong khu vực và nhà máy đang có kế hoạch xây dựng thêm tổ máy số 6.

Vào thăm trung tâm vận hành nhà máy, với sự bảo vệ nghiêm ngặt theo quy tắc “bảo vệ vật thể hạt nhân”, lãnh đạo nhà máy đưa chúng tôi đến thăm tổ máy đang dừng vận hành để bảo dưỡng thường kỳ sau 12 hoặc 13 tháng vận hành. Từ trên cao qua lớp cửa kính, chúng tôi thấy rõ các kỹ sư, công nhân kỹ thuật đang thao tác ngay trên nóc tâm lò phản ứng với công nghệ lò nước sôi tiên tiến nhất hiện nay. Hằng ngày, trong khu vực nhà máy luôn có 765 người làm việc cùng với 2.023 người thuộc các đơn vị nhận thầu các phần việc liên quan; các cơ sở dịch vụ phục vụ cung cấp nhu cầu cho nhà máy- (hay còn gọi là đơn vị vệ tinh)- trong đó ưu tiên cho người dân địa phương hoạt động. Ngoài văn phòng điều hành, nhà máy còn có văn phòng quan hệ công chúng với 70 nhân viên thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho nhân dân địa phương và ghi nhận ý kiến của người dân. Đặc biệt ở khu vực ven biển nên nhà máy rất chú tâm đến vấn đề khai thác hải sản. Phía nhà máy và địa phương đặt ra quy chế thường xuyên kiểm tra chất lượng nước biển và hải sản quanh vùng, có cơ quan thẩm định cấp trên. Kết quả được thông báo bằng giấy tờ và được cung cấp đến tận gia đình.

Nhìn từ trung tâm lò của nhà máy, chỉ cách 600m là một thành phố sầm uất với khu hành chính, bệnh viện, trường học… Ngay sát tường ngoài nhà máy 50m cũng có hộ dân sinh sống, có cơ sở sản xuất của các đơn vị khác đang hoạt động bình thường.

Nhà máy cũng xây dựng trung tâm truyền thông khá quy mô ngay trong khu vực nhà máy, hằng năm thu hút từ 240 – 250.000 khách du lịch đến tham quan, có khu vui chơi dành cho trẻ em được hoàn toàn miễn phí với mong muốn mọi người đến xem và tìm hiểu lợi ích của phát triển ĐHN. Người dân sống tại thành phố này, riêng giá điện được ưu tiên giảm 50%, nhà nước trung ương hỗ trợ một phần thuế cùng công ty điện lực xây dựng bệnh viện, trường học, trung tâm thể thao, truyền hình cáp… phục vụ công ích cho người dân. Nhà máy ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương làm việc có liên quan đến nhà máy, ưu tiên mua sắm vật dụng cho nhà máy do địa phương sản xuất và người địa phương kinh doanh…

Ngoài khu vực nhà máy, chúng tôi đến thăm trung tâm nuôi trồng thủy sản. Được thành lập tháng 10-1972 với việc sử dụng thiết bị lò hơi cung cấp nước độ cao để pha trộn với nước biển để sản xuất các loại cá, tôm, cua, sò phân phối cho nhà hàng và tạo giống thả ra biển tái tạo nguồn lợi. Đến năm 1976, ngay sau khi tổ máy ĐHN số 1 vận hành, nhà máy lắp đặt hệ thống ống dài 3 km cung cấp miễn phí nguồn nước độ cao hơn nước biển tự nhiên 70C do nhà máy xả ra mỗi ngày 30.000 tấn cho nhà máy hoạt động- hiệu quả mang lại cao hơn so với chi phí trước đây phải sử dụng lò hơi tạo nhiệt. Quả là có lợi về mặt kinh tế rõ rệt từ nhà máy ĐHN.


Trung tâm nuôi trồng thủy sản - sử dụng nguồn nước độ cao do nhà máy ĐHN Hamaoka cung cấp để sản xuất các loại cá, tôm, sò... giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Kyoto – Ngày thứ 3. Suốt cuộc hành trình thăm xứ sở Mặt trời mọc, hằng ngày bạn đưa đoàn chúng tôi đi bằng phương tiện ô-tô - mà theo bạn “ưu tiên để các bạn trong vùng dự án ĐHN Ninh Thuận được thăm thú toàn cảnh đất nước Nhật Bản”. Quả thật, ngày đầu tiên chúng tôi di chuyển trên xe buýt 300 km, ngày thứ hai 270 km. Mỗi đêm đoàn nghỉ tại một tỉnh hoặc thành phố khác nhau. Thăm thú cố đô Kyoto- vào đúng đầu kỳ nghỉ hè, các điểm du lịch, tham quan thu hút đông đảo khách thập phương. … Lại thêm “ở” trên xe buýt 190 km.

Fukui- Ngày thứ 4. Thăm Trung tâm triển lãm năng lượng Aquatom Nhật Bản (JAEA)- xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 6-2010. Đây được coi là Trung tâm giới thiệu khoa học giúp mọi người tìm hiểu mối quan hệ giữa môi trường và năng lượng. Ngay chính tòa nhà tầng 1, một mô hình được thiết kế cao 12m thể hiện toàn bộ mối quan hệ giữa biển và năng lượng, tùy theo tác động bên ngoài tạo ra năng lượng đa dạng. Trung tâm còn là trường học về khoa học thực hành, nhằm hỗ trợ các môn học khoa học dành cho học sinh tiểu học và trung học, về mối quan hệ Môi trường và Năng lượng; tìm hiểu về sự biến đổi khí hậu, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, tìm hiểu về biển… Ngay phía sau là ngọn núi cao nhất Nosaka 914m - dưới chân núi là Trung tâm nghiên cứu năng lượng vịnh Wakasa.

Buổi chiều, đoàn được tiếp xúc, trao đổi với đại diện nhân dân trong vùng. Ông Ishiguro Junji – Chủ tịch Hiệp hội sử dụng ĐHN vì mục đích hòa bình chào đoàn một cách thú vị: Các bạn sẽ có ĐHN chính nơi các bạn đang ở - ĐHN sẽ tạo ra nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường của các bạn trong thời gian đến – phải chăng các bạn đang có nhiều điều trăn trở, lo lắng? Các bạn yên tâm, chúng tôi đã có thời gian 40 năm cùng sinh sống trong vùng có nhà máy ĐHN và cùng phát triển với ĐHN. Chúng tôi hy vọng với kinh nghiệm và những điều từ lâu cảm nhận được có thể trao đổi thông tin hữu ích và ý nghĩa.

Mang những suy nghĩ, tâm tư, lo lắng của chính người dân địa phương mình, các thành viên trong đoàn đặt ra với chính người dân Nhật Bản đang sinh sống trong vùng có nhà máy ĐHN. Ông Ishiguro cho biết: 45 năm qua chưa hề có sự cố nào xảy ra ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Chính quyền Trung ương xây dựng quy chế rất chặt chẽ. Cục An toàn ĐHN luôn cử cán bộ theo dõi hoạt động của nhà máy và địa phương cũng tổ chức giám sát. Riêng địa phương cũng đặt nhiều trạm giám sát môi trường không khí, môi trường nước và nhiều trạm quan trắc có sự giám sát chéo giữa chính quyền, nhân dân địa phương và nhà máy ĐHN.

Tùy địa hình mỗi tỉnh, có nơi nhà máy cách trung tâm tỉnh lỵ, khu dân cư 15 km, nhưng cũng có tổ máy cách khu vực trung tâm vài trăm mét. Về lợi ích thì thấy rõ. Cấp tỉnh, huyện, xã cũng như các xã lân cận khác được hưởng chế độ hỗ trợ về mặt tài chính rất lớn. Vì thế địa phương có nguồn tài chính hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công trình cộng đồng, dịch vụ phục vụ công ích; người dân có công ăn việc làm ổn định như cung cấp dịch vụ thường xuyên cho nhà máy. Ở đây cứ 7-8 người dân có một người làm cho nhà máy hoặc các đơn vị có liên quan như nhà xưởng sản xuất thiết bị cung cấp cho nhà máy, cung cấp hệ thống bảo vệ an ninh, tắc-xi, cho thuê xe ô tô, khách sạn, nhà nghỉ… phục vụ thường xuyên cho công nhân kỹ thuật, cán bộ kiểm tra nhà máy định kỳ.

Anh Yakabi – một thanh niên tâm sự: Tôi không phải sinh ra tại đây, nhưng thấy đời sống ở đây thuận lợi, có việc làm, cơ sở hạ tầng tốt nên tôi tìm đến sinh sống. Ông Sataka thì nói: thành phố có ĐHN thì tốt hơn nhiều, nhờ nó mà sản xuất công nghiệp phát triển, kinh tế chung cũng phát triển. Hay như bà Hirayama tươi cười và nhắn nhủ: Các bạn hãy yên tâm, ĐHN rất an toàn và mọi người hãy an tâm. Những ngày thăm đất nước Nhật Bản chúng tôi, các bạn hãy tìm hiểu và cảm nhận nó để khi về địa phương, các bạn sẽ kể lại những gì “mắt thất, tai nghe”.

Tsuruga – Ngày thứ 5. Thành phố Tsuruga thuộc tỉnh Fukui có diện tích 2.000 km2 (bằng 2/3 diện tích so tỉnh ta), với 68.834 dân nhưng có đến 15 tổ máy ĐHN đang hoạt động. Thành phố nằm ven biển với nhiều bãi tắm đẹp thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng. Xe buýt chạy theo tuyến đường ven biển quanh co 14 km đưa chúng tôi đến thăm nhà máy ĐHN Tsuruga. Một bên là núi, một bên là biển. Dọc theo tuyến đường, nhiều bãi tắm đẹp, nhiều làng nghề đánh cá và nuôi các loại thủy sản, có cả khu vực nuôi cá nóc để cung cấp cho các nhà hàng. Ven phía núi, nhiều nhà nghỉ của chính ngư dân xây dựng nhằm phục vụ cho công nhân, kỹ sư nhà máy, đoàn kiểm tra ĐHN thường xuyên thuê ở - có thêm nghề phụ tăng thu nhập. Nhà máy hiện có 2 tổ máy (1 và 2) đang hoạt động và 2 tổ máy (3 và 4) đang được xây dựng. Gần khu vực nhà máy có Trung tâm nghiên cứu thủy sản của tỉnh; 80 trạm quan trắc phóng xạ môi trường để đo tia phóng xạ và cung cấp số liệu hàng giờ cho nhà máy và chính quyền địa phương, trong đó có 18 trạm do chính quyền thành phố thành lập để nhằm kiểm tra chéo giữa địa phương với nhà máy.

Trên công trường xây dựng tổ máy 3 và 4, do Công ty điện nguyên tử Nhật Bản xây dựng, ông Asao Kato, cán bộ điều hành công trình giới thiệu với đoàn toàn cảnh nhà máy ngay tại hiện trường đang ngổn ngang xe máy, thiết bị xây dựng. Phần đê ngăn biển đã được xây xong và đang tiến hành san lấp mặt bằng cao hơn 10m. Phía trong, khu vực sẽ đặt 2 tâm lò phản ứng cũng đang tiến hành khẩn trương thi công và theo kế hoạch đến năm 2014, hai tổ máy đi vào vận hành với tổng công suất 3.075 MW…

Thay lời kết. Những ngày “Tham quan và học tập về ĐHN ở Nhật Bản” thật thú vị và bổ ích. Bạn và ta hiểu được ý nghĩa của chuyến đi nên hình như mọi người đều thể hiện ý thức trách nhiệm của nhau. Bạn hết sức quan tâm đặc biệt, ta cũng hết sức “làm tròn sứ mệnh”. Có thể nói một chuyến đi thành công mỹ mãn.

Được trực tiếp tham quan bên trong nhà máy ĐHN, các Trung tâm quan hệ công chúng, thăm hiện trường đang xây dựng nhà máy ĐHN, được đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, đại diện người dân sống lân cận nhà máy, thấy được cảnh sống yên bình, phồn vinh của người dân thành phố bên cạnh nhà máy ĐHN và thực tế trên 50 ứng dụng ĐHN ở Nhật Bản đã đáp ứng được những lo toan, trăn trở của chính người dân xã Vĩnh Hải, xã Phước Dinh – vùng dự án được xây dựng nhà máy ĐHN của tỉnh ta. Những điều “mắt thấy, tai nghe” của các thành viên đại diện cho nhân dân và cán bộ trong vùng dự án sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, “nói có sách, mách có chứng”, có tiếng nói thuyết phục cho chính người dân mình thấy được lợi ích trong tương lai của bản thân, quê hương đất nước – an tâm, an lòng, đồng thuận cao chủ trương xây dựng nhà máy ĐHN – tự hào khi trên mảnh đất quê hương có một dự án tầm cỡ quốc gia – tiếp tục hợp tác để dự án ĐHN sớm trở thành hiện thực, vì sự phát triển phồn vinh của tỉnh nhà, của cả nước.