Định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa lý thuận lợi nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cách Sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km.

 Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thuê Tập đoàn Monitor của Mỹ và Tập đoàn Arup của Anh - là các tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới về xây dựng chiến lược phát triển, để lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch xây dựng chung thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và quy hoạch dải ven biển của tỉnh.

Định hướng phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới là tập trung ưu tiên phát triển 06 ngành kinh tế, đặt nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương gồm 4 ngành kinh tế trụ cột: năng lượng sạch, nông nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp và du lịch; và 2 ngành kinh tế phụ trợ là xây dựng bất động sản, giáo dục - đào tạo. Mục tiêu phát triển của 6 cụm ngành đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động của xã hội vào năm 2020, cụ thể:

1. Lĩnh vực năng lượng: Tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sản xuất các thiết bị và tuabin gió và các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành năng lượng gió và mặt trời.

2. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản: tỉnh ưu tiên đầu tư nông nghiệp sạch, các sản phẩm nông nghiệp và các loại vật nuôi có giá trị cao, ứng dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nổi tiếng của địa phương chẳng hạn như nho.

3. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp: ưu tiên đầu tư các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, các sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh và chất lượng cao, sử dụng năng lượng sạch và tạo thương hiệu cho các sản phẩm chính của địa phương.

4. Lĩnh vực du lịch: ưu tiên đầu tư xây dựng vila, khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển, khách sạn 5 sao, câu lạc bộ thuyền buồm, thể thao dưới nước, du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, du lịch văn hoá và sinh thái.

5. Lĩnh vực xây dựng và bất động sản: tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới, công viên, các nhóm ngành công nghiệp và cảng biển tại khu vực ven biển. Điều này sẽ gióp phần thu hút các nhà đầu tư trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra môi trường sống tốt hơn và thu hút được lực lượng lao động có chất lượng cao.

6. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: với mong muốn trở thành trung tâm đào tạo năng lực trong khu vực, Ninh Thuận đang khuyến khích đầu tư, thành lập các trường Đại học và các trường dạy nghề tầm cỡ thế giới, mang tính cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tỉnh và khu vực.

* Những chính sách mới của tỉnh nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn: Với mục tiêu Ninh Thuận sẽ là bạn đồng hành của các nhà đầu tư, xem thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của mình, khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của mình, trong những năm qua chính quyền địa phương đã tập trung vào các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình hoạt động của mình như: đơn giản các thủ tục hành chính, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất.

Nhằm thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận:

- Hoàn thành và trình thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo đề xuất của tập đoàn tư vấn Monitor. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Arup của Anh hoàn thành dự án quy hoạch chung xây dựng Thành phố PRTC và quy hoạch phát triển dải ven biển.

- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh và sẽ làm Ninh Thuận trở thành tỉnh có môi trường đầu tư tốt nhất: nâng cao công tác quản lý nhà nước và thực hiện cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của Văn phòng phát triển kinh tế (EDO), nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm thu hút tối đa các nguồn đầu tư.

- Tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ. Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 116km đường biển vào năm 2012; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục và xây dựng đường cao tốc từ Sân bay Quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang và kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng biển sâu tại Khu công nghiệp Cà Ná-Dốc Hầm và các cơ sở hạ tầng khác.

- Với quyết tâm trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, tỉnh sẽ liên kết với các trường đại học và trung tâm đào tạo nổi tiếng trong nước và quốc tế thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo khu vực Nam Trung Bộ và Cao nguyên Trung bộ.

- Sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng tại 02 khu công nghiệp Du Long và Phước Nam trên diện tích 800ha, nhằm thu hút các dự án của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà trong thới gian tới.

- Tăng cường hơn nữa tính công khai minh bạch về chủ trương chính sách đầu tư, các quy hoạch, kế hoạch phát triển, phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến xanh, sạch, thân thiện với môi trường và có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất.

Hy vọng với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2010-2020 sẽ góp phần tích cực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sẽ trở thành mô hình điểm để nhân rộng ra cả nước.

(Theo báo Mặt trận)