Kết thúc năm 2010, tỉnh ta có 85% người dân ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn được cấp, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Có thể nói, chương trình đầu tư nước sinh hoạt nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
“Phủ sóng” nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Toàn tỉnh hiện có 69.577 người dân đang sống ở những xã đặc biệt khó khăn (chiếm 12,3% tổng dân số). Nhiều năm qua, từ các nguồn vốn của trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện chương trình nước sinh hoạt nông thôn và đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đến vùng đồng bào dân tộc Ra glai ở huyện Thuận Bắc vào những ngày đầu năm 2011, tại Trung tâm hành chính huyện, chúng tôi đã nhìn thấy đường ống uốn lượn hàng chục cây số của hệ thống nước tự chảy từ trên dãy núi cao vùng chiến khu 17, chiến khu 22 thuộc 2 xã Phước Kháng, Phước Chiến đang đưa dòng nước mát về cấp cho hơn 4.000 người dân ở đây. Lần lượt đến các thôn Đá Mài Trên, Đá Mài Dưới, Đá Liệt, Cầu Đá (Phước Kháng); Đầu Suối A, Đầu Suối B, Động Thông, Ma Trai, Tập Lá (Phước Chiến) để tìm hiểu đời sống của bà con sau 5 năm (2006-2010) sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, anh Ka-tơ Théo, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, cho biết “Trước đây, mỗi thôn đều xây dựng một hồ lớn để chứa nước tự chảy từ núi cao dẫn về, hằng ngày bà con đến lấy nước.
Nhưng hai năm qua, hệ thống nước được dẫn trực tiếp vào nhà dân, vừa tiết kiệm chi phí quản lý, vừa nâng cao nhận thức sử dụng nước sạch trong cộng đồng”. Anh Pa-tâu A-xá Ngung, ở thôn Đá Mài Dưới, phấn khởi nói:“Vui lắm, bà con không còn phải ra suối để vừa tắm, giặt đồ vừa tự đào những cái hố nhỏ cạnh suối lấy nước về nấu ăn, uống như trước nữa. Bây giờ, nước chạy về tận nhà rồi, mình chỉ “vặn” van là có nước sạch”. Trên đường từ xã Phước Kháng sang Phước Chiến, chúng tôi thấy trên mái tôn nhà ở của bà con phơi nhiều chai nhựa đựng đầy nước. Hỏi chuyện, anh Đá Mài Dung ở thôn Đá Mài Trên nói: “Làm theo cán bộ xã chỉ, phơi nước để mặt trời rọi nắng diệt vi trùng gây bệnh đường ruột trước khi uống”.
Theo báo cáo của ngành Y tế, những năm gần đây, qua công tác tuyên truyền, vận động người dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe nên bệnh ngoài da, đường ruột ở các vùng nông thôn giảm đáng kể. Đặc biệt người dân ở các vùng này đã dần thành thói quen “ăn chín, uống sôi”, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đẩy mạnh đầu tư
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong năm 2010, tỉnh ta đã đầu tư 50,6 tỷ đồng cho chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn".
Tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn… Nhà nước cũng đã đầu tư xây nhiều công trình nước sinh hoạt dùng bơm động lực và hệ thống nước tự chảy cung cấp cho người dân ở các xã Phước Hậu, Phước Hữu, Hộ Hải, Bắc Sơn, Vĩnh Hải, Nhơn Sơn... Trao đổi với Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Nguyễn Văn Hoàng, được biết ngoài 20 hệ thống nước tự chảy kéo dài hàng chục cây số, toàn tỉnh hiện có 40 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung do trung tâm quản lý, cấp nước cho hơn 40 ngàn người dân ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết hệ thống cấp nước tập trung đều được xử lý bằng công nghệ hiện đại theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh. Năm 2009, Trung tâm được tổ chức Unicef tài trợ một máy xét nghiệm nước, nên việc phát hiện, xử lý vệ sinh nước sinh hoạt kịp thời.
Năm 2010, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 36 tỷ đồng, Trung tâm đã đầu tư xây dựng 3 hệ thống cấp nước tập trung và nâng cấp hàng chục hệ thống nước tự chảy. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3 công trình nước ở các xã Lợi Hải (Thuận Bắc); thôn Nha Hố, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn); xã Phước Hậu (Ninh Phước).., cấp thêm nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn người dân. Đồng thời khởi công mới 5 công trình nước tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Một trong những dấu ấn tích cực góp phần cho chương trình nước sinh hoạt nông thôn ở tỉnh ta phát triển rộng khắp là việc các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ trong việc triển khai Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-4-2004 “Về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”; vốn các chương trình 134, 135…. Đồng chí Nguyễn Văn Cúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Từ năm 2006-2010, đơn vị đã giải ngân trên 50 tỷ đồng, cho gần 25 ngàn hộ nghèo ở các vùng nông thôn trong tỉnh vay, bình quân hai triệu đồng/hộ để lắp đặt đồng hồ nước, đường ống dẫn nước sinh hoạt từ hệ thống chính được nhà nước đầu tư xây dựng ở các tuyến vào đến nhà.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong năm 2011 đơn vị sẽ tiếp nhận các hệ thống nước tự chảy do các HTX, địa phương đầu tư trước đây nhưng hoạt động kém hiệu quả để đầu tư mở rộng, nâng cấp thành hệ thống cấp nước tập trung, xử lý bằng công nghệ hiện đại để đảm bảo nước sinh hoạt sạch cho người dân sử dụng. Và nếu nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn của trung ương 80 tỷ đồng được cấp đúng theo kế hoạch thì tỉnh ta sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tạo nguồn dọc kênh Bắc từ đập Nha Trinh ở khu vực Tháp Chàm nối vào các tuyến cấp nước có sẵn, để ổn định nguồn nước sạch hằng năm, thì đến trước năm 2015, 100% người dân vùng nông thôn trong tỉnh sẽ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hoàn toàn.
Nguyễn Trung