Chiều cuối tháng 12, gió bấc từ phía Du Long thổi ràn rạt qua cánh đồng lúa mùa đang vào vụ thu hoạch của xã Bắc Phong. Cây lúa gượng dậy sau cơn lũ lịch sử đơm đầy những gié thóc vàng mang no ấm đến cho nông dân trong mùa Tết Nguyên đán Tân Mão sắp tới. Lão nông Hai Ẩn (Phan Xuân Ẩn) râu tóc bạc phơ chăm chú đóng lại chiếc mành vịt trên cánh đồng Mỹ Nhơn sau mùa gặt mặt ruộng vàng gốc ra. Hai Ẩn là dân kỳ cựu trong nghề nuôi vịt bán tết ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc.
Nửa thế kỷ cầm sào
Thấy có người lạ ghé chơi mành vịt, Hai Ẩn bỏ dùi đục lẳng lặng đi vô lều rót nước trà đặc quánh mời khách. Cả chủ và khách đều ngồi bệt trên nền ruộng rạ nồng nàn mùi bùn đất, chuyện trò gần gũi. Dân chăn vịt được xếp vào hàng phiêu bạt rày đây mai đó nên bụng dạ rộng mở, dễ dàng bắt chuyện. Hai Ẩn làm nghề cầm sào cha truyền con nối ở làng Mỹ Nhơn.
Chủ mành trẻ Mai Xuân Đạt ở thôn Gò Đền nuôi vịt giống Bắc Kinh.
Hơn nửa thế kỷ trước, ông theo cha lội đồng chăn vịt từ cặp bầy nhỏ lên cặp bầy lớn rồi được “phong chức” chánh bầy khi vừa tròn mười tám tuổi. Cả đời người cầm sào ăn bờ ngủ bụi nghe quen tiếng vịt kêu đồng không đành lòng rứt ra được, lão nông Hai Ẩn nói. Bây giờ tui tiếp tục truyền nghề cầm sào cho mấy đứa con trai tiếp nối nghiệp cha. Con vịt, con gà tuy nhỏ lẻ nắm mớ nhưng không thể thiếu trong bữa ăn ngày tết của mọi gia đình người dân Việt. Anh em bạn nghề vịt thả đồng tụi tui ai cũng nuôi từ năm ba trăm đến vài ngàn vịt thịt chuẩn bị cung cấp cho thị trường ngày tết.
Từ hôm đầu tháng chín âm lịch, tui mua hai ngàn con vịt lai F1 thả nuôi tới nay được hơn hai tháng rồi. Nhờ có đồng ăn tốt nên mỗi con cũng nặng tầm 1,2 kg. Nuôi thúc thêm một tháng nữa tới cận tết là xuất mành bán cho bà con xa gần ăn tết, lúc đó vịt nặng 2 kg. Anh em tụi tui dự kiến năm nay giá vịt lai F1 bán mảo cho thương lái tại mành cũng được 50 ngàn đồng/con. Trừ hết chi phí, người nuôi vịt thịt bán tết còn có lời khoảng 20 ngàn đồng/con. Con vịt lai F1 dễ nuôi chỉ cần tiêm phòng đầy đủ bệnh truyền nhiễm trên loài thủy cầm theo hướng dẫn của thú y là tránh được sự rủi ro trong nghề nuôi vịt chạy đồng. Ngoài nuôi vịt thịt bán Tết, lão nông Hai Ẩn còn nuôi 500 con vịt đẻ mỗi đêm “rớt” trung bình 300- 400 trứng. Giá trứng bỏ mối cho chủ lò ấp 2.500 đồng. Trừ hết chi phí nuôi vịt đẻ, lão nông Hai Ẩn có lời khoảng 1.000 đồng/trứng. Trong hơn nửa thế kỷ cầm sào, Hai Ẩn cũng đã nhiều lần lao đao vì vịt ngã bệnh chết phơi ức trắng mành. Hết vốn, ông cầm sào đi làm chánh bầy cho “vua vịt” Hai Thời ở xứ đồng Phước Nhơn vừa kiếm cơm ăn vừa gầy dựng lại cơ nghiệp. Được Hai Thời hết lòng cưu mang chia sẻ bạn nghề lúc khốn khó, lão nông Hai Ẩn lần hồi “gỡ nợ” vươn lên trở lại vị thế chủ mành.
“Nhất phẩm” nghề nuôi vịt
Tôi đang trò chuyện với lão nông Hai Ẩn, mành vịt có thêm một vị khách ăn mặc lịch sự ghé vô chơi. Hàm râu trắng như cước bay nghiêng trong nắng chiều, Hai Ẩn chỉ tay vào vị khách mới tới, ông cười chất phác nói: "Tui chỉ nuôi "nắm mớ" bảo đảm cuộc sống gia đình đủ ăn đủ mặc còn người nuôi vịt nhiều nhất ở xã Bắc Phong hiện nay phải kể đến chú Chín Anh đây này. Ổng nuôi hơn 5.000 con vịt vừa đẻ vừa thịt. Mấy hôm nay, tui ngủ đồng một mình gió bấc thổi lạnh lẽo buồn hiu. Nay có mành của chú Chín Anh dời tới đóng kề bên anh em đêm hôm chia lửa cho nhau nên cảm thấy ấm lòng. Nông dân Chín Anh, 59 tuổi, ăn mặc tuy có vẻ sang trọng nhưng cũng là dân cầm sào chính hiệu và thuộc lớp đàn em của lão nông Hai Ẩn ở làng Mỹ Nhơn. Tuy chưa đủ tầm vươn đến hàng “vua vịt” như Hai Thời nhưng Chín Anh cũng thuộc hàng “nhất phẩm” trong nghề nuôi vịt thả đồng.
Lão nông Hai Ẩn bên đàn vịt bán Tết
Thời trai trẻ, ông cũng đã từng lặn lội lên miền đất hứa Tây Nguyên với ước mơ làm tỉ phú cà phê nhưng mộng không thành. Ông dắt díu vợ con trở lại quê nhà gom góp vốn liếng khởi nghiệp nuôi vịt đẻ. Từ 150 con vịt già của hai chục năm trước đến nay ông là chủ mành của 2.500 con vịt đẻ và 2.800 con vịt thịt chuẩn bị bán tết. Mùa này đồng lúa thu hoạch sau cơn lũ mồi mỡ đầy đủ nên bầy vịt đẻ của Chín Anh mỗi đêm 1.500- 1.800 trứng. Nếu tính giá trứng vịt 2.500 đồng, chủ mành Chín Anh có tổng thu nhập xấp xỉ 4 triệu đồng/ngày. Nhờ lợi nhuận của con vịt giúp ông từ tay trắng sau chuyến đi Tây Nguyên trở về làng chí thú làm ăn vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của thôn Mỹ Phong.
Bầy vịt của chủ mành Chín Anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Chánh bầy được bao cơm ăn với mức lương cứng 2 triệu đồng/tháng. Cặp bầy lớn hưởng “chế độ” như chánh bầy, mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Chín Anh đang nuôi cậu trai sinh viên năm thứ 4 ngành Vật lý sư phạm tại thành phố Hồ Chí Minh và cô con gái đang học năm thứ hai trung cấp ngân hàng tại Khánh Hòa. Tết Tân Mão năm nay, Chín Anh bỏ túi ngót trăm triệu đồng từ đàn vịt thịt đang độ đủ lông cánh. “ Tui tính nay mai “a-lô” cho mối lò ấp ở miền Tây đóng thùng gởi ra 1.000 con vịt giống Bắc Kinh. Đây là giống chuyên thịt sau ba tháng nuôi chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng có thể nặng tới 3,5 kg/con. Thị trường đang ưa chuộng giống siêu thịt, tui định nuôi thử nghiệm giống vịt Bắc Kinh một chuyến thử xem sao”, chủ mành Chín Anh nói.
Tận tâm với nghề
Nghe Chín Anh nói chuyện nuôi thử nghiệm giống vịt Bắc Kinh, tôi chợt nhớ tới Mai Tấn Đạt, 40 tuổi ở thôn Gò Đền, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Hôm giữa tháng mười hai, tôi nhìn thấy anh thả đàn vịt Bắc Kinh gần 2.000 con lông trắng phau mượt mà nằm phơi nước đẹp như tranh vẽ. Sau mùa lễ Nô-en, tôi trở lại Gò Đền tìm gặp Mai Tấn Đạt, anh vừa xuất bán 1.850 con vịt Bắc Kinh cho thương lái ở Nha Trang với giá 60 ngàn đồng/con. Hiện nay, anh chỉ còn hơn 100 con nuôi thúc bán vào dịp tết nguyên đán sắp tới. Mai Tấn Đạt trưởng thành từ nghề đi cầm sào thuê từ hồi tóc còn để chỏm, anh chí thú chịu thương chịu khó học nghề nuôi vịt trở thành chủ mành. “Do hoàn cảnh gia đình nghèo thiếu vốn nên em mua chịu giống, thức ăn và ứng vốn trước của chủ lò vịt phải chịu lãi hàng tháng. Đàn vịt Bắc Kinh mới nuôi 2,5 tháng nặng trung bình 2,5 kg/con. Em xuất bán được 111 triệu đồng nhưng cũng chỉ vừa đủ thanh toán nợ cho nhà lò. Nếu có vốn liếng đầu tư làm ăn, bầy vịt Bắc Kinh vừa xuất mành, em có lãi ít nhất 30 triệu đồng. Nghề nuôi vịt bán tết không khó nhưng cái khó nhất là phải có vốn liếng, có kinh nghiệm và tận tâm với con vịt thì nó trả công xứng đáng cho người nuôi”, chủ mành trẻ Mai Tấn Đạt bộc bạch.
Ký sự của Sơn Ngọc