Mô hình nhà máy điện hạt nhân tại Nga
Trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW, dự kiến vận hành vào năm 2020, cần ít nhất khoảng 2.000 người có trình độ đại học. Khâu chuẩn bị nhân lực này phải đi trước từ 10-15 năm. Tuy nhiên, với tốc độ đào tạo hiện nay của các trường mỗi năm có được hơn 100 kỹ sư ra trường thì trong tương lai ngành này thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy, năm 2008 cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, làm chủ yếu trong 10 cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và Tp.HCM)...
Trong số 505 cán bộ này, chỉ có 62 tiến sĩ, độ tuổi trung bình là 50. Trong số 12 GS, PGS ngành này thì có tới 4 người tuổi 60-62, số còn lại cũng ở độ tuổi 50-55.
Đánh giá tiềm năng ngành học này, PGS.TS. Hà Huy Bằng, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý , Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ngành công nghệ hạt nhân là ngành trọng điểm, tiềm năng trong tương lai. Nhưng hiện nay cả nước mới chỉ có 5 trường đại học tham gia đào tạo ngành và chuyên ngành về hạt nhân. Số lượng giảng viên chỉ có 3 PGS. TS, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 15 kỹ sư, cử nhân. Ngoài ra còn có Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đào tạo trình độ tiến sĩ Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý và điện tử, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Vật lý hạt nhân.
Đưa ra giải pháp đào tạo đội ngũ nhân lực điện hạt nhân, các chuyên gia năng lượng hạt nhân cho rằng, trước mắt nên quy hoạch cán bộ đã có trình độ, làm trong lĩnh vực hạt nhân hoặc trong ngành nhiệt điện đi đào tạo làm cán bộ vận hành nhà máy điện hạt nhân, đây là cách nhanh nhất .
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án trình Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chương trình đào tạo hạt nhân trong các trường đại học. Đề án chỉ rõ, năm 2020 về nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, dự kiến đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài; 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân dự kiến đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ; 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngành hạt nhân...; cử 500 lượt các nhà quản lý, nhà khoa học ngành kỹ thuật hạt nhân đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Tuần qua, tại trụ sở Tập đoàn Rosatom ở Mátxcơva, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ về các dự định đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân giữa Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Tổng giám đốc Rosatom, ông Kyrienko.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2010, Rosatom sẽ là cơ quan chính thức đào tạo chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho Việt Nam. Chính phủ Liên bang Nga và Rosatom sẽ cung cấp một phần học bổng cho các chuyên gia này. Sau khi được đào tạo, các chuyên gia sẽ làm chủ được công nghệ năng lượng hạt nhân và đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam.
Theo VnEconomy