Lòng dân đã thuận – tất cả đã sẵn sàng
Có mặt từ rất sớm tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, chúng tôi thấy một không khí hồ hởi, rạng ngời trên từng gương mặt của số đông bà con địa phương đến dự Hội nghị công bố Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Nhiều người đứng xem bản Quy hoạch được phóng to treo ngay cửa hội trường thôn. Ông Nguyễn Văn Lậy, 61 tuổi, người thôn Vĩnh Trường cho biết, việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại đây thì bà con nhất trí rồi, chỉ mong sao, Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân đến nơi tái định cư mới được hơn nơi ở cũ và cũng là để tri ân cho bà con dành đất xây dựng các công trình quốc gia.
Qua tìm hiểu được biết, xã Phước Dinh có 05 thôn, trong đó, toàn bộ thôn Vĩnh Trường có 173 hộ với 692 nhân khẩu nằm trọn trong khu vực trung tâm của dự án. Bà con nơi đây sống bằng hai nghề chính: Đánh bắt thủy sản và làm bìa tôm (73%) và khoảng hơn 10% số hộ dân là trồng cây ăn trái, ngô, đậu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Du – Trưởng thôn Vĩnh Trường thì bên cạnh những gia đình làm ăn khá, có cuộc sống ổn định, vẫn còn tới 22% số hộ dân trong diện nghèo. Thực hiện chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 1, ông cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho đi thăm một số nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Có đi thăm các lò phản ứng hạt nhân của họ mới thấy quy mô nhà máy được xây dựng rất hiện đại, sạch sẽ và an toàn, nên bản thân ông và một số người dân trong đoàn thực sự yên tâm. Việc di dân tái định cư lên khu vực Bắc Vĩnh Trường – Nam Từ Thiện cách chỗ ở cũ khoảng 7 km và rộng gần 90 ha được coi là rất lý tưởng, nhưng mong sao, Nhà nước và địa phương tạo điều kiện thuận lợi để khi đến nơi ở mới, con em người dân được học hành ngay, bà con địa phương sớm ổn định được cuộc sống.
Cũng ngay buổi chiều ngày 22-10, bản Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 cũng đã được công bố tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải trước sự chứng kiến của hàng trăm bà con đại diện cho 1.500 hộ dân trong xã. Xã Vĩnh Hải cũng có 05 thôn, dân số khoảng 5.365 người. So với thôn Vĩnh Trường, thì khu vực xây dựng Nhà máy số 2 tại thôn Thái An – nơi phải di dời 100% số hộ dân lại đang được coi là đông dân cư hơn và hàng hóa cũng “sầm uất” hơn. Bà con nơi đây sống bằng nghề trồng màu, chủ yếu là hành, tỏi, ớt, đánh bắt thủy sản và trong tương lai, sẽ xây dựng một số khu vực trở thành điểm du lịch thu hút khách tham quan như thôn Vĩnh Hy có thế mạnh về môi trường sinh thái, rặng san hô đẹp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết, người dân địa phương hết sức đồng tình với chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân số 2 tại xã. Các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện cũng đã giúp xã tìm được hai địa điểm dự kiến di dân tái định cư cách nơi cũ khoảng 1,5 km. Lãnh đạo xã cũng đã có phương án tổ chức cho bà con đến nơi tái định cư mới để tìm hiểu và qua đó quyết định chọn nơi định cư cho mình.
Tại buổi công bố Quy hoạch, rất nhiều ý kiến của người dân xã Phước Dinh, lãnh đạo huyện Thuận Nam; xã Vĩnh Hải và huyện Ninh Hải đã phát biểu bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối vào quyết định của Nhà nước về vị trí xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, trong đó ý kiến của ông Võ Văn Hưng - Già làng thôn Vĩnh Trường còn cho rằng, những năm chiến tranh, khó khăn gian khổ là thế, nhưng người dân vẫn chịu đựng và đồng cam một lòng theo Đảng để có hòa bình, độc lập, nay Nhà nước lo cho cuộc sống tốt hơn, không có lý gì mà không chấp hành chủ trương, quyết định của Nhà nước.
Tại buổi công bố Quy hoạch địa điểm xây dựng 02 nhà máy điện hạt nhân, ông Đỗ Hữu Nghị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thay mặt lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành và chính quyền các cấp xúc tiến ngay việc thông báo Quyết định thu hồi đất; chuẩn bị các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng dự án và địa điểm tái định cư; đồng thời trong quá trình triển khai thực hiện, phải nghiêm túc xem xét thấu đáo kiến nghị liên quan đến các chế độ, chính sách và quyền lợi của bà con, để đảm bảo cuộc sống của người dân đến nơi ở mới không chỉ tốt hơn, mà còn phải phát triển theo hướng bền vững.
Những vấn đề cần giải tỏa
Việc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận công bố Quy hoạch địa điểm xây dựng 02 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được coi là bước chuẩn bị hết sức quan trọng sau khi Quốc hội khóa XII (kỳ họp thứ 6 ngày 25-11-2009) thông qua Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Bản Quy hoạch này đã được sự đồng thuận của 06 Bộ quản lý nhà nước và UBND tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, mới đây có thông tin, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị dời nhà máy điện hạt nhân 2 về khu vực nhà máy 1. Để tìm hiểu vấn đề này, Đoàn phóng viên báo chí của trung ương và địa phương tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch địa điểm xây dựng 02 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã có buổi tiếp xúc với ông Đỗ Hữu Nghị - Phó Chủ tịch UNND tỉnh tại trụ sở UBND tỉnh và được ông cho biết, đúng là Tỉnh có kiến nghị như vậy, một phần để tiết kiệm chi phí cho dự án, mặt khác thúc đẩy khai thác phát triển tiềm năng du lịch – một thế mạnh của địa phương ở khu vực phía bắc Tỉnh khi có nhà máy điện hạt nhân. Phóng viên cũng đã đặt câu hỏi, tại sao trong Hội nghị lấy ý kiến hội đông nhân dân ba cấp vào cuối năm 2009, không thấy tỉnh có ý kiến gì về việc thay đổi? Ông Đỗ Hữu Nghị giải thích: Trước đây, tỉnh hoàn toàn nhất trí về việc địa điểm dự kiến xây dựng dự án, nhưng thời gian qua, Tỉnh cũng đã thuê hai tập đoàn kinh tế nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể chung của tỉnh và xét thấy nếu gom hai nhà máy điện hạt nhân thì địa phương sẽ thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội nên có văn bản kiến nghị. Vấn đề quyết định là do Chính phủ.
Người dân đến xem mặt bằng Quy hoạch dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận
Tìm hiểu kỹ vấn đề này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia tư vấn và một số nhà khoa học thì đều nhận được ý kiến tham vấn như sau: Việc kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận là chính đáng, cần được các cơ quan chức năng Chính phủ nghiên cứu, xem xét lại. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, quá trình lập quy hoạch có nghiên cứu tất cả các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội và phù hợp với quy hoạch tổng thể của Chính phủ về phát triển năng lượng trong giai đoạn đến năm 2020 và 2030.
Về góc độ kinh tế, chỉ một dự án đã chiếm tới hơn 500 ha đất, nếu nhập dự án 2 vào dự án 1 diện tích mặt bằng sẽ lên tới hơn 1000 ha, số lượng di dân trước khoảng 5-6 ngàn người, sẽ tăng lên gấp hai ba lần và như vậy sẽ lại một lần nữa phải thay đổi quy hoạch. Việc xây dựng nhà máy điện tại phía Nam và phía Bắc tỉnh cũng là cơ hội để địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, khai thác tiềm năng du lịch, mở rộng quy mô phát triển khu công nghiệp sản xuất phụ trợ đồng đều tại hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải, giảm bớt khó khăn cho bà con khi phải di dân quá xa nơi ở hiện tại và cả việc phải chuyển đổi nghề, vì có phải người dân nào cũng có thể thích ứng với môi trường mới, việc làm mới.
Về kỹ thuật, theo các chuyên gia tư vấn thì đây là vấn đề tối quan trọng, bởi trên thế giới, chưa có nước nào xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn đến 8 tổ máy, công suất tới gần 10.000 MW. Nếu gộp lại, sẽ phải đầu tư nâng cấp thiết bị loại siêu hiện đại, đấy là chưa nói tới việc địa chất có bảo đảm hay không và cả vấn đề dành đất cho hành lang tuyến của hệ thống lưới điện cao áp sẽ phải xây dựng trong tương lai. Một điều quan trọng khác, đó là do tính chất đặc thù của nhà máy điện hạt nhân phải sử dụng nước làm mát với một lượng nước tuần hoàn cực lớn, không thể xây dựng đường ống cùng một khu vực, bởi theo thiết kế, hệ thống đường ống dẫn nước làm lạnh và nước thải phải cách bờ hàng km và cách nhau khá xa để không bị ảnh hưởng tới vấn đề môi trường nên đòi hỏi quy trình sản xuất và vận hành phải tuyệt đối nghiêm ngặt, vì vậy việc gom hai nhà máy vào một nơi là không khả thi do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh, chúng tôi thấy còn một điều mà lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận băn khoăn, đó là vấn đề “đầu tiên”, tiền đâu để thực hiện các chủ trương, quyết định liên quan đến công tác quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng, quy hoạch di dân tái định cư, đào tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi cũng đã trao đổi với một cán bộ quản lý dự án thì được biết, việc cấp kinh phí đều phải được thực hiện theo tiến độ các nội dung công việc, theo một quy trình chặt chẽ về thủ tục cấp vốn và quy định về quản lý tài chính. UBND tỉnh Ninh Thuận cần sớm cử cán bộ nghiệp vụ phối hợp với Chủ đầu tư và có thể phải tham khảo kinh nghiệm thủ tục đề nghị cấp vốn, giải ngân tại các dự án lớn có những công việc tương tự để mọi việc được tiến hành thuận lợi, tạo được sự đồng thuận giữa các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư và địa phương.
Thời gian từ nay đến ngày khởi công vào năm 2014 đang rất gần. Theo kế hoạch, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến vận hành tổ máy 1 vào năm 2020, tổ máy 2 năm 2021, tổ máy 3 năm 2023 và tổ máy 4 năm 2024. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ vận hành tổ máy 1 vào năm 2021, tổ máy 2 năm 2022, tổ máy 3 năm 2024 và tổ máy 4 năm 2025... Hiện tại, mọi vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách; hệ thống pháp lý; lựa chọn tư vấn; công nghệ; công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; công tác đào tạo nhân lực; quy hoạch các khu sản xuất công nghiệp phụ trợ... đã và đang được tiến hành khẩn trương. Hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ của trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải, các dự án điện hạt nhân đầu tiên tại nước ta sẽ được triển khai đúng tiến độ, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, tạo đà để Ninh Thuận thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
(Theo TC Công nghiệp)