“Xanh hóa” hạt nhân Đà Lạt

Gần nữa thế kỷ qua, lò phản ứng hạt nhân vận hành bảo đảm tuyệt đối an toàn và người dân địa phương an cư lạc nghiệp xung quanh lò phản ứng hạt nhân.

Ngày 25-8, lần đầu tiên chúng tôi đến Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHNĐL) - tọa lạc trên ngọn đồi rộng hơn hai chục mẫu tây thuộc phường 8 thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Lò phản ứng hạt nhân được xây dựng theo mô hình bát giác, chung quanh vùng lò xanh biếc bóng tùng vươn thẳng lên bầu trời xanh trong; trong khuôn viên- hàng chục loài hoa khoe sắc, tỏa hương thơm ngát dọc lối đi. Gần nữa thế kỷ qua, lò phản ứng hạt nhân vận hành bảo đảm tuyệt đối an toàn và người dân địa phương an cư lạc nghiệp xung quanh lò phản ứng hạt nhân.

Nghiêm ngặt từng chi tiết

Đến Viện NCHNĐL, chúng tôi được “tận mục sở thị” quy trình vận hành và không gian sống của cư dân quanh vùng lò. Đoàn có hai mươi thành viên do Ban Chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo tổ chức đi tham quan. Trước khi vào lò bát giác - nơi chứa những thanh nhiên liệu tạo ra sự phản ứng hạt nhân, chúng tôi phải trải qua quy trình kiểm tra thủ tục nghiêm ngặt và khi bước vào khu vực vận hành của lò phản ứng, nhất cử nhất động đều tuân thủ theo hướng dẫn của các chuyên gia hạt nhân. Đoàn được thăm thú tìm hiểu các khu vực lò phản ứng, phòng điều khiển, hệ thống tải nhiệt, kho chứa nhiên liệu, nhà chứa chất thải phóng xạ… cho thấy công tác quản lý hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nghiêm ngặt đến từng chi tiết.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHNĐL báo cáo khái quát về lịch sử hình thành và những thành tựu khoa học phục vụ lợi ích con người của lò phản ứng hạt nhân trong thời gian qua. Năm 1961, chính quyền miền Nam thành lập cơ sở nghiên cứu hạt nhân mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, vận hành đến năm 1968 thì ngừng hoạt động. Sau ngày miền Nam giải phóng, Viện được thành lập do Liên Xô hỗ trợ thiết bị kỹ thuật. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất 500 KW chính thức hoạt động từ tháng 3 năm 1984 đến nay. Lò tự động hóa hệ thống điều khiển, nên khi có dấu hiệu bất thường thì hầm lò sẽ tự dập, không để xảy ra sự cố.

Viện NCHNĐL thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội đất nước; xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học hạt nhân; điều chế đồng vị phóng xạ và các dược chất phục vụ chữa trị bệnh. Sử dụng nguồn nơtron phân tích thành phần, hàm lượng nguyên tố có trong mẫu vật; bảo quản nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm bằng phương pháp chiếu xạ khử trùng; nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên các hệ sinh vật, gây đột biến giống cây trồng tăng độ nẩy mầm và có năng suất cao. Tham gia nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Sau hơn 32.500 giờ vận hành với quy trình quản lý nghiêm ngặt, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế ghi nhận là cơ sở khai thác năng lượng hạt nhân an toàn, hiệu quả nhất trong các nước đang phát triển.

Xanh hóa đất đai

Rời lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, chúng tôi đi dọc đường Nguyên tử lực thuộc địa bàn khu phố 3, phường 8 nằm về hướng Đông Bắc thành phố Đà Lạt. Đây là khu dân cư đông đúc sinh sống ven vành đai lò hạt nhân trong năm thập kỷ qua. Hai bên đường, các nhà vườn đang thu hoạch cà rốt, hoa Sarja đóng gói chuyển vào thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Giữa xứ sở ngàn hoa, nhịp sống của người dân khá sôi động, sung túc. Ngừng tay tưới những luống hoa Sarja đang nở rộ sắc màu rực rỡ, anh Nguyễn Văn Hữu, 49 tuổi, cư dân phường 8 cho biết: “Hồi nhỏ, tôi đã thấy lò nguyên tử Đà Lạt do chính quyền miền Nam xây dựng. Năm 1968, vì chiến tranh nên lò ngừng hoạt động. Đến sau năm 1975, Nhà nước mời chuyên gia Liên Xô tới khôi phục và lò hoạt động suốt mấy chục năm qua. Tôi ở sát vành đai của lò, sinh hoạt gia đình cũng như sản xuất vẫn bình thường. 1,5 sào đất chuyên trồng hoa Sarja sinh trưởng rất tốt, mỗi năm cho thu nhập 40- 50 triệu đồng.

Trên địa bàn phường có phòng trưng bày hoa tươi nghệ thuật lớn nhất Việt Nam tại số nhà 7A/1 Mai Anh Đào do Ban tổ chức lễ hội hoa Đà Lạt năm 2010 bình chọn. Bà con rất yên tâm an cư lập nghiệp với nghề trồng hoa suốt 50 năm qua”.

Chia tay với người nông dân trồng hoa Sarja vui tính, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất và thu mua cà rốt lớn nhất phường 8. Chị Nguyễn Thị Hòa xấp xỉ tứ tuần có đôi má hồng hào, nụ cười duyên dáng với giọng Huế ngọt ngào vừa sơ chế cà rốt vừa tiếp chuyện đoàn khách tham quan. Chị nói: “Bà con tui ăn ở gần lò nguyên tử Đà Lạt mấy chục năm qua có thấy chi mô. Đất đai trồng cây chi cũng mọc xanh và đơm hoa kết trái tốt nớ. Lớp lớp con cháu sinh ra lớn lên từ đây học hành thành đạt đi trăm ngã. Vừa rồi, nghe ti vi thông báo ở Ninh Thuận chuẩn bị làm nhà máy điện hạt nhân, bà con tui rất mừng. Đất nước có thêm nhiều nhà máy điện để mấy ông nhà đèn giảm bớt cúp điện vào mùa khô. Thời ba mẹ tui, ban đầu nghe nói xây dựng nhà máy nguyên tử Đà Lạt cũng ngại ngần, nhưng sống riết thấy cũng rất bình thường, không có chi đáng ngại”.

Niềm tin của “già làng”

Trong chuyến đi tham quan Viện NCHNĐL, chúng tôi có dịp gặp lại anh Võ Văn Bảy – người được xem là “già làng” của thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), một trong những thành viên được mời tham quan nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản vào cuối tháng bảy vừa qua. Anh nói: “ Được đi thăm nhà máy điện hạt nhân Hamaoka lớn nhất nước Nhật (cách thủ đô Tokyo khoảng 150 km về hướng Đông Nam) có tổng công suất 1.380 MW, hoạt động từ năm 2005, chúng tôi thấy nhịp sống của người dân Nhật đang sinh sống cách vành đai nhà máy này khoảng 500 mét diễn ra sôi động, sung túc; vườn tược cây trái được trồng rất xanh tốt . Sau chuyến tham quan ấy, tôi tiếp tục được Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo mời tham quan Viện NCHNĐL. Qua thực tế, tận mắt chứng kiến lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tiếp xúc với bà con sinh sống ven vành đai, tôi vững tin với thành tựu khoa học hiện đại cùng với phương thức quản lý, điều hành tốt, nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng tại Ninh Thuận chắc chắn bảo đảm tuyệt đối an toàn” .