Những ngày trên đất Nhật _ Một Thoáng xứ sở mặt trời mọc

Nhật Bản được coi là một trong những xứ sở có phong cảnh đẹp nhất thế giới với 4 mùa thay đổi rõ rệt.

Những ngày đầu tháng 8, đoàn “Tham quan và học tập về điện hạt nhân tại Nhật Bản”, chúng tôi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức theo lời mời của Diễn đàn Công nghiệp Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAIF). Chuyến tham quan lần này, bạn dành cho đại diện nhân dân thôn Thái An và xã Vĩnh Hải; thôn Vĩnh Trường và xã Phước Dinh – vùng dự án xây dựng điện hạt nhân (ĐHN) của tỉnh Ninh Thuận – gồm 16 thành viên do bà Đinh Thị Vân – Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn; ông Võ Xê Đăng, đại diện Ban Chuẩn bị đầu tư dự án ĐHN tại Ninh Thuận làm phó đoàn. Những ngày tại đất Nhật - với những điều “mắt thấy, tai nghe” – xin ghi nhận cùng bạn đọc.

Từ sân bay Tân Sơn Nhất- Tp.Hồ Chí Minh, sau 5 giờ 30 phút trên chuyến bay VN Airlines, chúng tôi có mặt tại sân bay Narita – Nhật Bản lúc 7 giờ 30 phút (tức 5 giờ 30 phút giờ Việt Nam- do múi giờ Nhật Bản với nước ta chênh lệch khoảng 2 tiếng). Nhật Bản đang vào mùa hè, nhưng cơn mưa trái mùa – mưa phùn lất phất tạo không khí dịu mát cho khách phương xa.


Đoàn đến thăm, tìm hiểu về ĐHN và chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo JAIF.

Thêm 2 tiếng hành trình trên ô-tô chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm thủ đô Tokyo. Hầu như người Nhật không có khái niệm “cây số”, mà tính nơi đến bằng giờ- điều này cho thấy hệ thống giao thông, phương tiện đi lại nước bạn phát triển như thế nào. Thi thoảng trên đường phố, những cánh hoa bằng lăng tím nở tô thắm cho thủ đô thêm tươi sắc. Những chiếc dù với những gam màu nhẹ cùng dòng người bước đi vội vã trên đường phố- người Nhật là thế, có lẽ họ sợ thời gian qua mau sẽ cướp đi thời cơ cho công việc. Họ nổi tiếng là người làm việc cần mẫn, xem công việc của công ty như công việc của mình nên luôn tận tâm, tận sức. Tìm hiểu ở bạn, nhiều khi họ làm việc không chỉ vì lợi ích cá nhân mình, họ xem công việc của họ không những là “hoạt động kinh tế” mà còn là “hoạt động thẩm mỹ”. Chính tinh thần thực dụng, tính hiếu kỳ, óc cầu tiến của người Nhật là những động lực thúc đẩy họ nhanh bắt kịp với các nước tiên tiến.

Nhật Bản là quần đảo với trên 3.000 đảo tạo thành các ngọn núi cao trải dọc biển Thái Bình Dương với diện tích khoảng 377.829 km2 (tương đương với nước ta). 80% diện tích là vùng núi, trong khi các vùng bình nguyên thường nhỏ và hẹp. Với địa lý như thế, Nhật Bản được coi là một trong những xứ sở có phong cảnh đẹp nhất thế giới với 4 mùa thay đổi rõ rệt. Mùa xuân với hoa anh đào nở rộ dần từ Nam lên Bắc; mùa hè cây cối xanh tươi; mùa thu lá phong nở tím từ Bắc xuống Nam; mùa đông tuyết trắng tinh khôi. Nhật Bản có mỹ danh là xứ sở Hoa anh đào - vì người Nhật rất yêu những cánh hoa “thoắt nở, thoắt tàn” này nên được trồng khắp nước Nhật. Nhật Bản còn gọi là Phù Tang. Cây phù tang- tức loại cây dâu. Theo truyền thuyết ở phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là phù tang hay khổng tang- là nơi nữ thần Mặt trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lừa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó phù tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt trời mọc - “đất nước Mặt trời mọc”.

Tham quan cố đô Kyoto- các công trình lịch sử nằm rải rác 17 địa điểm. Chùa Kinkakuji (chùa Vàng) là một trong những công trình nổi tiếng ở Nhật Bản, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa. Nằm ở phía Tây Bắc cố đô Kyoto, chùa nguyên thủy được xây dựng năm 1397, là “Biệt thự dưỡng già” của một ông Shogan tên là Ashikaga Yoshinutsu, đến đời cháu nội ông được xây thành chùa Vàng để làm nơi cúng Phật. Năm 1955, chùa được xây dựng lại và năm 1957 ngôi chùa được bọc bằng những lá vàng nguyên chất, khiến ngôi chùa càng có giá trị to lớn hơn - sự hài hòa của ngôi chùa cùng với phản chiếu bóng nước hư thực làm nên một Kinkakuji – văn cảnh nổi tiếng Kyoto. Hay thăm khu trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ trên khắp đất nước Nhật Bản qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, các bạn còn được thưởng thức món ăn đặc sản từ chính những phụ nữ với bộ trang phục truyền thống kimono phục vụ.

Thăm thành phố biển Tsuruga thuộc tỉnh Fukui, ngay trung tâm thành phố sát biển, rừng thông vươn thẳng bạt ngàn quanh năm xanh tốt, cùng với gió từ biển thổi vào như xua tan cái oi ả, làm nhẹ lòng người nên thu hút đông du khách đến thưởng ngoạn, tắm biển vào hè. Theo tương truyền, chỉ sau một đêm thức giấc người dân trong vùng đã thấy 18.000 cây thông mọc lên cao ngất và phát triển theo năm tháng cho đến tận ngày nay.

Một thoáng xứ sở Mặt trời mọc, sẽ không quá lời khi nói Nhật Bản là một cường quốc khoa học-kỹ thuật. Sản phẩm công nghiệp dựa trên kỹ thuật cao của Nhật Bản có mặt trên khắp thế giới. Là quốc gia dẫn đầu về khoa học và công nghệ- là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu tính theo tổng sản phẩm nội địa chỉ sau Mỹ. Cuối thập niên 1960, Nhật Bản đã hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa. Trên cuộc hành trình đến các thành phố lớn Nhật Bản, hệ thống giao thông làm choáng ngợp tầm nhìn. Những đường cao tốc từ 4 đến 8 làn xe như “đan chen” nhau. Đối với xứ sở đồi núi như thế nhưng không có chuyện xe cộ leo dốc, vượt đèo mà hoàn toàn qua hầm giao thông một chiều. Một ngày xe đưa chúng tôi phải qua 5 đến 7 đường hầm. Có thể nói đường sá sạch, đẹp, thông thoáng và rất an toàn vì hầu hết là đi một chiều, hành lang bảo vệ cao ngất- vừa an toàn vừa chống ồn khu vực ven đường.


Hệ thống giao thông ở Nhật Bản.

Đường cao tốc là thế. Ở nội thành, mỗi buổi sáng nếu bạn thong thả dạo chân, không khí mát dịu êm đềm lạ thường. Nói không ngoa, đường phố rất… rất sạch, không một gợn bụi. Ở từng khu phố đều có Family Mart (siêu thị gia đình) mở cửa từ 6 giờ sáng (xin nói thêm- Ở Nhật Bản, 9 giờ các công sở mới làm việc) phục vụ mọi người với đủ các “tạp hóa” gia đình. Và cứ 30 đến 50m có một tủ bán thức uống tự động (trừ bia). Ở những nơi công cộng đều có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá với “thùng” đựng tàn thuốc “to đùng”- màu nước đen đặc quánh hòa lẫn những mẩu tàn thuốc (có lẽ là “cố tình” của nhà quản lý để người nghiện thuốc thấy rợn người mà… bỏ hút).

Rất nhiều điều thú vị ở xứ người- nhưng không thể không nói đến một văn hóa ứng xử “tuyệt vời” của con người xứ sở Hoa anh đào này. Bạn đến bất cứ nơi đâu, nơi mua sắm tham quan, ăn uống, làm việc…chủ đều cúi gập người chào khách- đây có thể nói là “đặc sản văn hóa” như món ăn Sushi “đặc sản ẩm thực” không thể thiếu của người Nhật Bản… với thái độ chân tình và quý khách cả khi bạn đến và đi .

Kỳ sau: Điện hạt nhân – Những điều  "Mắt thấy, tai nghe"