Với mục tiêu đã đề ra, từ năm 2008 đến nay huyện Ninh Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai nhiều mô hình kinh tế như: nuôi heo địa phương tại xã Lâm Sơn; mô hình “ba giảm ba tăng” trên cây lúa tại xã Lương Sơn; mô hình bắp lai giống NK66 tại xã Nhơn Sơn; mô hình cải tạo đàn cừu giống cho các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, đồng thời tập trung phát triển mạnh cây trồng như: mía, mì, thuốc lá, bông vải... mang lại hiệu quả cao.
Huyện miền núi Ninh Sơn hiện có trên 18.000 hộ dân, với hơn 79.200 nhân khẩu, trong đó có 2 xã và 9 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đề ra, ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn vốn của Chính phủ và các dự án, những năm gần đây huyện Ninh Sơn còn phối hợp với các tổ chức tín dụng, nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội để giúp cho các hộ nghèo vay vốn đầu tư vào sản xuất. Tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất giống cây trồng và tiêu thụ nông sản để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Với mục tiêu đã đề ra, từ năm 2008 đến nay huyện Ninh Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai nhiều mô hình kinh tế như: nuôi heo địa phương tại xã Lâm Sơn; mô hình “ba giảm ba tăng” trên cây lúa tại xã Lương Sơn; mô hình bắp lai giống NK66 tại xã Nhơn Sơn; mô hình cải tạo đàn cừu giống cho các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, đồng thời tập trung phát triển mạnh cây trồng như: mía, mì, thuốc lá, bông vải... mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư, tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên từ chổ sản xuất nhỏ lẽ đến nay đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra, giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương. Một trong những đơn vị được đánh giá năng động trong cơ chế mới ở Ninh Sơn là HTX Tiểu thủ công nghiệp Quảng Sơn.
Nông dân xã Nhơn Sơn chăm sóc bắp lai giống NK66. Ảnh: Thanh Long
Mặc dù mới khôi phục và đi vào hoạt động từ năm 2003, nhưng HTX này không ngừng tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, trong đó nghề gia công thêu ren xuất khẩu là một trong những hợp đồng chính được HTX ký với HTX Thêu ren Kim Chi (tỉnh An Giang) xuất khẩu qua các nước Đức và Pháp.
Qua gần 7 năm đi vào hoạt động, đến nay năng lực sản xuất của HTX này đã được nâng cao rất nhiều. Ngoài việc làm ăn hiệu quả, HTX này còn giải quyết cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Một số ngành nghề truyền thống như: điêu khắc đồ mỹ nghệ, làm đũa,… cũng được củng cố và phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Các cơ sở kinh doanh khác như mua bán xe gắn máy, nông sản, vật tư, kinh doanh ăn uống... cũng ngày phát triển, đã góp phần không nhỏ đưa nền kinh tế huyện Ninh Sơn ngày càng có bước tăng trưởng khả quan.
Cùng với việc triển khai các mô hình, dự án, huyện Ninh Sơn còn triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ xây dựng và sửa chữa về nhà ở, xét cứu đói, cứu trợ xã hội thường xuyên cho dân; chỉ đạo các địa phương khảo sát kỹ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo để giao cho các hội, đoàn thể như phụ nữ, nông dân... đứng ra tín chấp vay vốn, vận động hội viên của mình giúp vốn, giúp công để các hộ nghèo có điều kiện vượt lên hoàn cảnh, từng bước thoát nghèo. Hằng năm huyện phối hợp với các Trung tâm dạy nghề của tỉnh mở nhiều lớp học nghề như đan lát, may công nghiệp... ngắn hạn cho lao động địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tìm việc làm tăng thu nhập. Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời và thống nhất từ huyện đến cơ sở nên trong những năm gần đây chương trình giảm nghèo của huyện Ninh Sơn đã đạt được nhiều kết quả. Nếu năm 2005 toàn huyện có 4.445 hộ nghèo thì đến năm 2010 giảm còn khoảng 3.215 hộ, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần IX đề ra 0,35%.
Đồng chí Phan Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn cho biết: Mục tiêu và quan điểm của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua cũng như ở nhiệm kỳ mời này, đó là tập trung giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nhanh và toàn diện để xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, về nông nghiệp ngoài việc tập trung phát triển các diện tích lúa, bắp, dưa hấu ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn, Ma Nới, Tân Sơn và cây ăn quả tập trung ở xã Lâm Sơn, huyện còn chú trọng đến việc phát triển các vùng cây nguyên liệu mía, mì, thuốc lá, bông ở các xã như Quảng Sơn, Hòa Sơn và Mỹ Sơn… với diện tích hằng năm khoảng 4.000 ha.
Về chăn nuôi huyện chú trọng phát triển đàn trâu, bò, dê, cừu theo hướng chất lượng cao. Đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại–dịch vụ, tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cụm Công nghiệp Quảng Sơn với quy mô 50ha. Có chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề như: thủ công mỹ nghệ, mộc gia dụng, kỹ nghệ sắt, may mặc, ăn uống… Phấn đấu sản lượng lương thực hằng năm ổn định từ 45.000 – 50.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 11%, đến cuối năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 17% và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương.
Thực tế cho thấy, bài học kinh nghiệm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Ninh Sơn những năm qua đó là đã phát huy tốt nội lực, huy động được sự tham gia của các ngành từ đó xây dựng và phát triển các mô hình phù hợp với từng địa phương. Với định hướng đã được đề ra, tin rằng huyện Ninh Sơn xứng đáng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Văn Thanh