Còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Mão- 2011, nhưng dạo quanh một vòng trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy nhiều sản phẩm mang hương vị xuân đang được bày bán khắp các cửa hàng, cửa hiệu. Tuy giá cả thị trường năm nay có nhiều biến động, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động.
8 nhóm hàng được "chốt" bình ổn giá
Vào thời điểm gần đến tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân trong tỉnh đã có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 12-2010. Theo dự kiến của Sở Công Thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh trong tháng trước Tết Tân Mão- 2011 sẽ tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm. Vì thế, để chuẩn bị tốt nguồn hàng, đặc biệt là 8 nhóm mặt hàng thiết yếu đã được UBND tỉnh thông qua: gạo, dầu ăn, đường, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả. Ngay từ cuối tháng 10- 2010, ngoài việc tổ chức gặp mặt, đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị tốt các loại hàng hóa trọng yếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trước, trong và sau tết, sở Công Thương còn tham mưu UBND tỉnh ứng vốn ngân sách cho các doanh nghiệp thương mại trong tỉnh vay để dự trữ các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Tân Mão tại địa phương.
Mặt hàng nhu yếu phẩm tại chợ Phan Rang luôn phong phú. Ảnh: Văn Miên
Với tinh thần khẩn trương thực hiện, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ nguồn hàng tết với tổng số tiền trên 208 tỷ đồng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH TM&DV Sài Gòn –Phan Rang (Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà) và Công ty Cổ phần lương thực Nam Trung Bộ được tỉnh hỗ trợ cho vay 10 tỷ đồng (gồm Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà 7 tỷ đồng và Cty CP Lương thực Nam Trung Bộ 3 tỷ đồng), mức hỗ trợ lãi suất 0%, trong vòng 3 tháng để thực hiện bình ổn giá đối với 8 nhóm hàng thiết yếu. Thời gian các đơn vị đăng ký bình ổn giá trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1-12-2010. Trong thời gian tham gia chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp thực hiện cam kết đảm bảo giá bán các mặt hàng thấp hơn giá thị trường 5%- 10% tại từng thời điểm.
Đây là năm thứ hai tỉnh ta có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhằm bình ổn giá cả thị trường. Trong thời gian doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn này sẽ có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng địa phương, như: Sở Công Thương, Sở Tài chính…và phải cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hoàn trả đúng hạn. Một quy định khác nữa là trong trường hợp giá mặt hàng cùng loại ngoài thị trường có tăng thì doanh nghiệp này cũng không được điều chỉnh giá và ngược lại nếu giảm cũng phải giảm theo và đảm bảo mức giá luôn thấp hơn 10%.
Bảo đảm hàng hóa phục vụ tết
Một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tham gia đảm bảo hàng hóa phục vụ tết cho người tiêu dùng hiện nay ở tỉnh ta là Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ông Nguyễn Long Trung, Giám đốc siêu thị cho biết: Từ số vốn hỗ trợ không lãi suất của tỉnh 7 tỷ đồng cộng với vốn của doanh nghiệp gần 40 tỷ đồng, đến nay việc chuẩn bị hàng Tết nói chung và 8 nhóm hàng thiết yếu mà Siêu thị cam kết bình ổn giá đã được tập kết về kho đạt gần 100%. Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, Co.op Mart dự trữ tăng 35%– 40% so với nhu cầu tiêu dùng bình thường. Riêng mặt hàng gạo, ngoài số lượng phân phối của Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ, Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà còn dự trữ 5 tấn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Ngoài hai đơn vị nói trên, một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên, Công ty TNHH DV-TM&SX Thy Thy, Công ty TNHH TM&DV Phượng Định, Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Hưng Phú... dù không vay vốn, nhưng vẫn chuẩn bị hàng nghìn tấn hàng hóa về lương thực, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, sữa, xúc xích, lạp xưởng, quần áo may sẵn với tổng số tiền trên 187 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cam kết tham gia chương trình bình ổn giá bằng việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, hàng hoá bảo đảm chất lượng, không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Phan Văn Luông, Trưởng Phòng quản lý Thương mại - Sở Công Thương cho biết: Qua kết quả báo cáo tiến độ chuẩn bị nguồn hàng tết của các doanh nghiệp về sở cho thấy lượng hàng hóa nhập kho của các doanh nghiệp đã đạt gần 100% kế hoạch. Một số doanh nghiệp như: Trúc Nguyên, Hưng Phú... còn chuẩn bị lượng hàng dự trữ tăng từ 25% – 30% so với năm ngoái và đến nay hầu hết đã được cung ứng thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ của mình. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp hoàn toàn bảo đảm đủ lượng hàng cung ứng cho cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão- 2011.
Để đảm bảo thị trường hàng hóa phục vụ tết lưu thông thông suốt, Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm đúng theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng, doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định niêm yết giá bán tại các chợ, tiệm kinh doanh, nếu phát hiện có hành vi gian lận thương mại, tình trạng găm hàng, đầu cơ, nâng giá sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhằm tạo sự công bằng trong kinh doanh, bảo đảm giá cả ổn định, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là các vùng nông thôn, miền núi trong dịp Tết cổ truyền 2011.
Văn Thanh