Đưa hàng Việt về nông thôn

Trong khi người dân thành phố gần như đã bão hòa với việc mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại thì khu vực nông thôn đang là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp thương mại. Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” để bình ổn giá đã tạo không khí sôi động tại nhiều miền quê trong tỉnh.

 

HÀNG VIỆT VỀ… LÀNG

Một ngày giữa đầu tháng 1, chúng tôi theo chân các nhân viên Siêu thị Co.opMart Thanh Hà đưa hàng hoá về phục vụ người dân tại xã Phước Hậu (Ninh Phước). Hàng chục tấn gạo, mì tôm, nước mắm, bột nêm, bếp gas, kem đánh răng, sữa, áo quần… được bày bán tại Nhà Văn hoá xã, như một “siêu thị mini” Nhiều sản phẩm trong số này có mức giảm giá 10-35%, một số mặt hàng khác được kèm quà tặng.

Hàng trăm hộ dân địa phương và các vùng lân cận phấn khởi khi được mua hàng của siêu thị… ngay gần nhà mình. Xách túi đồ trĩu nặng, chị Lưu Thị Ngọc Điệp (thôn Trường Thọ - Phước Hậu) hồ hởi nói: “Mấy khi mới có dịp siêu thị tổ chức bán hàng tận nơi nên tôi tranh thủ mua sắm. Nhìn chung giá cả các mặt hàng phù hợp với người có thu nhập trung bình”. Còn chị Thuận Thị Kim Phiếu (thôn Hiếu Lễ) vui vẻ bảo mua hàng của siêu thị được giảm giá lại yên tâm về chất lượng.

Rất đông người dân Tân Sơn mua sắm hàng bình ổn giá của Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ

Anh Nguyễn Đông Trung - Giám đốc Siêu thị cho biết: “Với ý nghĩa “Dùng hàng Việt – yêu nước Việt”, đợt bán hàng lưu động phục vụ tết Tân Mão 2011, kéo dài đến 24-1, với 14 chuyến hàng phục vụ bà con ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, giúp người dân tiết kiệm chi phí đi lại.”

Chị Thái Thị Thoa (thôn Lạc Nghiệp - Cà Ná – Thuận Nam) tâm sự: "Siêu thị về đến thôn bà con mừng lắm. Bà con không phải đi xa mà vẫn mua được nhiều thứ: dầu, đường, gạo, mắm..., lại có cả nước ngọt, bánh mứt tết... bếp ga, nồi điện, xà bông, bột giặt... ai muốn mua thứ gì có thể chọn lựa thoải mái mà giá cả phải chăng. Rất tiếc, siêu thị chỉ bán có 1 ngày 1 đêm thôi còn ít quá, nếu gần tết quay lại bán thêm lần nữa thì hay biết mấy!".

Chị Thuận Thị Kim Phiếu (Phước Hậu) phấn khởi với món hàng mua của siêu thị Thanh Hà

Trong khi đó, tại chợ Tân Sơn (thị trấn Tân Sơn – Ninh Sơn) sáng ngày 8-1, 2 xe bán hàng bình ổn giá của Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ cũng có mặt. Rất nhiều người dân đã đến xem và mua hàng. Chị Diệp Thị Minh Hiếu (Lương Sơn – Ninh Sơn) hồ hởi: “Nghe nói có chuyến hàng bình ổn giá, tôi rủ chị em cùng xóm xuống mua hàng để dành ăn Tết.”

“Đang làm việc nhà, nghe cô bạn nói có xe bán hàng bình ổn giá ở chợ nên tui đến mua một lần 50kg gạo để ăn tết, hàng này rẻ hơn trong chợ mà…” bà Đặng Thị Huyền (KP3 –Tân Sơn) vui vẻ nói.

Bắt đầu bán lúc 8g30 nhưng đến 12h30 người mua vẫn nhộn nhịp. Anh Lê Văn Nhàn (nhân viên bán hàng của công ty) vừa quệt mồ hôi, vừa hớn hở: “Gần tết rồi, bà con ai cũng háo hức mua hàng, càng vui chứ sao…”. Cô Hồng (Quảng Sơn) chia sẻ: “Mua ở đây thấy an tâm hơn, hàng của công ty thì đảm bảo rồi… Đến gần tết phục vụ nữa, chúng tôi mua tiếp.”

Ông Tống Lãnh – Quyền Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ - cho biết: “Tham gia chương trình bình ổn giá, ngoài 3 tỉ đồng hỗ trợ từ ngân sách, công ty chuẩn bị thêm 6 tỉ đồng nữa để mua hàng dự trữ. Ngoài 8 điểm bán hàng theo kế hoạch của Sở Công thương, đơn vị dự định tổ chức thêm nhiều đợt bán hàng lưu động, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn.”

CẦN SỰ PHỐI HỢP CỦA NHIỀU ĐƠN VỊ

Các phiên chợ đưa hàng Việt về cơ sở đã thu hút rất nhiều người dân nông thôn, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế ở thời điểm hiện tại thì vẫn chưa cao do chi phí vận chuyển, mặt bằng, tiếp thị sản phẩm và an ninh quá lớn. Tại một số xã, do công tác tuyên truyền, phối hợp thông tin giữa các đơn vị và địa phương chưa chặt chẽ, vì vậy nhiều người dân không biết thời gian và địa điểm bán hàng lưu động để đến mua sắm.

Trong khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn tỉnh ta mặc dù khá đa dạng, nhưng chủ yếu là các mặt hàng có giá trung bình, do đó, Sở Công Thương và các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể, góp phần đảm bảo duy trì thị hiếu của người tiêu dùng, hướng tới sản phẩm nội địa. Làm tốt điều này, chắc chắn hiệu quả của chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” sẽ đạt hiệu quả cao.