Hoạt động của các phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc lần thứ 2 về xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương

Ngày 22/2 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp ngành công thương chủ trì buổi làm việc lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo sau hơn một tháng thị sát, tìm hiểu trực tiếp các dự án này.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.

Trước đó, giữa tháng 12/2016 tới cuối tháng 1/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo đã trực tiếp thị sát, nắm bắt tình hình tại: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Đình Vũ, Nhà máy DAP Lào Cai, dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận báo cáo của Bộ Công Thương về tổng quan hiện trạng, tình hình tài chính, kỹ thuật, pháp lý và các phương án xử lý cho từng dự án, nhà máy trong nhóm 12 đơn vị yếu kém của ngành công thương theo nguyên tắc thị trường và các quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Phải xử lý kiên quyết, khẩn trương, Nhà nước không bỏ thêm tiền cho các dự án này”.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an cũng báo cáo bổ sung thêm các kết luận làm việc của các cơ quan này đối với một số nhà máy nhằm củng cố thêm dữ liệu về nguyên nhân, thực trạng yếu kém của các nhà máy để phục vụ cho việc đề xuất phương án xử lý. Việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, công an trong thời gian tới sẽ xác định, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân gây thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Từ thực tiễn của Công ty Đạm Ninh Bình, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Nhà máy sơ sợi Đình Vũ PVTex, Ethanol Quảng Ngãi… khẩn trương tính toán sự cần thiết, chi phí bỏ ra so với lợi ích thu về… để tái khởi động nhà máy do đã ngừng hoạt động trong thời gian dài.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến phát biểu và kết luận tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo, các phương án xử lý cả về cơ sở pháp lý, nội dung, so sánh chi phí và lợi ích từng phương án, đề xuất lựa chọn phương án, điều kiện thực hiện, lộ trình thực hiện phương án để Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

“Việc không thể chậm trễ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải bám sát nhiệm vụ, sớm hoàn thiện các phương án xử lý để trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, không để tiếp tục kéo dài tình trạng yếu kém, gây thiệt hại cho Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thực tế, hầu hết các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp đã triển khai tích cực các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về đánh giá thực trạng tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy, tiến tới khởi động lại hoạt động của các nhà máy. Thông qua đó, việc đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ khôi phục sản xuất, kinh doanh của các nhà máy đã có kết quả tích cực như việc Nhà máy Đạm Ninh Bình đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 với 80% công suất, cắt giảm từ 25-30% các chi phí vận hành, cắt giảm gần 100 lao động dư thừa...

Tuy vậy, một số bộ, ngành, doanh nghiệp còn chậm trễ, chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ. Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017./.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 22/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tham dự có lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Giao thông, Xây Dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) - đã trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại các cuộc họp trước đó, phương án được cân nhắc lựa chọn là phương án 3. Theo phương án này, xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc. Phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24,52 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2-3 năm.

Tại cuộc làm việc ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ADCC phải lập phương án 3B có cùng công suất với phương án 3 nhưng đầu tư xây dựng ở phía bắc (khu vực sân golf, một số đơn vị quốc phòng và nhà dân). Tại cuộc họp này, ADCC đã có báo cáo chi tiết phương án này. Cụ thể, thay vì xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía nam như phương án 3, sẽ xây dựng hoàn toàn ở phía bắc đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L.

Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6.050 hộ dân. Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10 đến 12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm. Phương án này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khu bay, ảnh hướng đến quốc phòng, an ninh và đến quy hoạch của TPHCM, đồng thời không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía nam.

Tại cuộc họp, các thành viên dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến để đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi đã rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, đã có đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp, đảm bảo nhu cầu của người dân, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải nhanh chóng giải toả ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hoá đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dung vốn nhà nước nhất. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, tuy phương án 3 là phù hợp, nhưng cần phải hoàn thiện thêm cùng với tất cả các phương án khác để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện các phương án quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tuần tới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Với các hạng mục bên trong sân bay, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng tổ chức lập dự án, dự kiến giao chủ đầu tư. Các nhà ga hành khách T3, T4, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ khác giao chủ đầu tư là doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng vốn xã hội hoá. Các dự án giao thông kết nối, thoát nước ngoài sân bay do UBND TPHCM thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngay từ thời điểm này cần song song chuẩn bị các công việc thực hiện dự án như thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư để có thể phê duyệt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch.

Bộ Giao thông vận tải cũng chủ trì xây dựng các cơ chế đặc thù cho từng dự án để có thể áp dụng đồng bộ ngay khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh xử lý các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh theo thẩm quyền để bảo đảm các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Giao UBND TP Hồ Chí Minh chủ động lập quy hoạch chỉnh trang đô thị khu vực sân bay; chủ động điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông Thành phố nói chung, đặc biệt là điều chỉnh hệ thống giao thông kết nối với sân bay để đảm bảo giảm ùm tắc giao thông, cảnh quan đô thị. Chủ động nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông kết nối, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài sân bay, đảm bảo phục vụ hoạt động của sân bay có hiệu quả.

Văn phòng Chính phủ