Phát triển kinh tế biển - Từ ngành thủy sản

(NTO) Ngày 26-10-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/TU về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. NQ đề ra mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại; trước mắt, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: Khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển, ven biển. Thực hiện NQ số 07-NQ/TU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu hằng năm tăng giá trị sản xuất thủy sản 7-8%, huy động tốt nhất mọi nguồn lực cho khai thác tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, phấn đấu đến năm 2020 thủy sản chiếm 34-35% trong tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển.

Phát triển nuôi trồng thủy sản - Tầm nhìn đến năm 2020

Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/TU về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, đề ra chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển đạt khoảng 17.000-17.500 tỷ đồng, trong đó thủy sản chiếm 34-35%. Trong phát triển thủy sản, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ cao vào sản xuất.

 
Nông dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tăng trưởng cơ cấu kinh tế ngành Thủy sản, tính đến năm 2015, NTTS chiếm tỷ trọng 67,3%, chủ yếu nhờ gia tăng sản lượng giống thủy sản. Do vị trí quan trọng của lĩnh vực NTTS, NQ số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400-2.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khu vực đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Sơn Hải, Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam) trên 1.000 ha; đưa xuất khẩu thủy sản chiếm 46-47% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, NQ khẳng định tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng tôm giống.

Nhìn lại những năm qua, có thể thấy dù có những lúc gặp khó khăn, nhưng lĩnh vực NTTS tỉnh ta từ nuôi tôm thương phẩm, sản xuất giống thủy sản đến nuôi các hải đặc sản khác đều đạt sản lượng cao. Tính trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh ước đạt tổng sản lượng 64.300 tấn thủy sản, gấp 1,3 lần giai đoạn trước. Trong đó, sản lượng tôm nuôi gấp 1,31 lần, tăng 13% so với mục tiêu đề ra. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, riêng trong năm nay, với tổng diện tích tôm thịt thả nuôi khoảng 735 ha (trong đó có 6,7% tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng), qua thu hoạch 630 ha đã cho sản lượng 5.763 tấn. Về sản xuất giống TS, toàn tỉnh đạt sản lượng 21,8 tỷ con (trong đó có 17 tỷ con tôm thẻ giống và 4,8 tỷ con tôm sú giống), vượt 1,4% kế hoạch năm. Bên cạnh tôm giống, các cơ sở còn sản xuất 123 triệu con ốc hương giống và 3,5 triệu con giống cá nước ngọt cung cấp cho người nuôi theo hướng đa dạng đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu rủi ro.

Tuy năm nay do yếu tố thị trường làm giảm sản lượng tôm thịt (chỉ đạt 80% kế hoạch năm), nhưng hoạt động NTTS vẫn gây ấn tượng bởi hướng phát triển mới, thể hiện qua sự phong phú, đa dạng đối tượng nuôi; đặc biệt là khai thác và sử dụng được tiềm năng diện tích đất và mặt nước để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Những ngày đầu tháng 12, có dịp đến nhiều địa phương ven biển có thế mạnh NTTS, chúng tôi ghi nhận đang có sự thay đổi nhanh qua việc đầu tư chiều sâu, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng của các hộ nuôi tôm thịt và đầu tư nâng cấp cơ sở sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp chuyên về giống TS. Đồng chí Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Do nhu cầu thị trường biến động liên tục trong thời gian ngắn, nên năm nay nhiều doanh nghiệp không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất giống thủy sản. Song điều phấn khởi là tuy còn khó khăn về tiêu thụ, nhưng nhìn chung hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống vẫn khởi sắc hơn năm trước.

Từ những đóng góp không nhỏ đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, thực tế chứng minh lĩnh vực NTTS luôn có vai trò quan trọng trong tăng trưởng sản xuất thủy sản. Vì vậy để phát triển NTTS, NQ số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung An Hải, Sơn Hải, Nhơn Hải theo quy hoạch; hình thành các vùng nuôi tôm tập trung quy mô lớn đạt tiêu chuẩn GAP, tạo nguồn nguyên liệu chủ lực cho công nghiệp chế biến. Đặc biệt là khai thác và bảo vệ hiệu quả tính đa dạng sinh học đối với các đối tượng nuôi vùng đầm Nại để vừa khai thác bền vững, vừa phát triển du lịch và đô thị ven biển theo quy hoạch.

Theo tinh thần NQ và từ những tín hiệu lạc quan của năm qua, bước sang năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu đạt sản lượng thủy sản thương phẩm 10.200 tấn, riêng tôm thương phẩm là 7.000 tấn; sản xuất giống thủy sản đạt 22,1 tỷ con. Từng bước đưa NQ số 07-NQ/TU vào cuộc sống, Chi cục Thủy sản tỉnh định hình hoạt động NTTS ở tỉnh ta theo hướng chú trọng tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hiện đại để bảo vệ môi trường nguồn lợi TS và nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất thu hoạch. Đặc biệt là ổn định diện tích thả nuôi, kiểm soát và hạn chế dịch bệnh hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có tổng sản lượng NTTS đạt 18-20 ngàn tấn, sản lượng tôm post giống trên 36 tỷ con, góp phần phát triển kinh tế biển tỉnh nhà như NQ số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra.