Theo báo cáo, trên địa bàn xã Phước Chính có hơn hơn 200 con bò bị bệnh, trong đó 8 con đã chết, số bò bị bệnh đã được điều trị và dần hồi phục, đến nay, bệnh LMLM đã được khống chế. Để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng, phân loại, xử lý gia súc bị lây nhiễm, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra dịch. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền vận động người dân không chăn thả gia súc chung, nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các địa phương khác.
Gia đình bà Chamalé Thu có bò bị bệnh LMLM đã dần hồi phục.
Ông Huỳnh Thanh Tâm, Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh LMLM công tác phòng chống dịch đã được triển khai gấp rút để ngăn chặn dịch lây lan, do đặc tính của bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm cấp tính có mức độ lây lan rất nhanh khi tiếp xúc với bò bệnh qua nước bọt, gia súc chăn thả ăn cùng đồng cỏ...vì vậy, cán bộ địa phương cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên chăn thả bò bệnh cùng với bò khỏe mạnh nhằm hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng và cách chăm sóc bò bệnh, tiêm phòng vacxin...
Được biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ cấp cho huyện 5000 lít thuốc khử trùng để thực hiện việc tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Đồng thời, để chủ động phòng dịch, từ tháng 7-2016, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã thực hiện tiêm phòng cho 1.100 con trên tổng đàn bò 1.600 con ở xã Phước Chính. Do thói quen chăn nuôi gia súc theo hình thức thả rong, để bò lại trên rừng, nên một số con vẫn chưa được tiêm phòng... Thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của ngành thú y, các cấp, ngành cần tích cực trong công tác tuyên truyền vận động người dân có phương pháp chăm sóc đàn bò nuôi được tốt hơn, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Kim Thùy