Những kết quả nêu trên là rất đáng mừng, không chỉ bổ sung năng lực khai thác hải sản của tỉnh nói chung mà quan trọng nhất là đã từng bước thay đổi được nhận thức của ngư dân về làm kinh tế biển với tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, dài ngày tại các vùng biển xa như Trường Sa, Nhà giàn DK1… góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra ở đây là vì sao hầu hết các tàu đóng mới của ngư dân lại chọn những cơ sở đóng tàu ngoài tỉnh? Cụ thể, đến nay mới chỉ có duy nhất một tàu vỏ gỗ mang số hiệu NT-91242 TS của bà Vương Thị Thúy Vân (thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) được đóng mới tại cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ vừa được hạ thủy. Tàu có công suất 600CV, hành nghề câu và mành chụp với chiều dài 21,5m, rộng 6m, với tổng kinh phí đầu tư trên 10,8 tỷ đồng. Vậy có phải các cơ sở đóng tàu của tỉnh ta chưa đủ "năng lực" để đóng tàu "67"?.
Tàu vỏ gỗ, công suất 600 CV của bà Vương Thị Thúy Vân chuẩn bị hạ thủy.
Để tìm lời giải cho câu hỏi này, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Hiện nay, tỉnh ta có 3 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, đó là: Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh; Công ty TNHH MTV SX-TM Thái Sơn; Phân xưởng tàu thuyền Khánh Hội-Xí nghiệp sản xuất và thương mại Đạo Long. Cũng theo đồng chí Đặng Văn Tín: Nếu đóng tàu tại các cơ sở trong tỉnh sẽ có nhiều điều lợi như khoảng cách từ gia đình ngư dân đến cơ sở đóng tàu gần hơn, qua đó giúp chủ tàu có thời gian giám sát việc đóng tàu thường xuyên hơn, đồng thời giảm chi phí đáng kể so với đóng tàu ngoài tỉnh. Không những vậy, nếu chủ tàu có thay đổi một số chi tiết so với thiết kế để phù hợp với sở trường… về con tàu của mình trong quá trình đóng mới, Chi cục sẽ cử cán bộ đăng kiểm phối hợp với cơ sở đóng tàu cùng bà con ngư dân giải quyết ngay tại chỗ. Khi tàu hạ thủy, hồ sơ thủ tục của con tàu được hoàn thiện nhanh chóng hơn...
Có mặt tại Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), ngoài chiếc tàu vỏ gỗ của bà Vương Thị Thúy Vân đã hạ thủy, hiện trong xưởng còn ba chiếc tàu vỏ gỗ khác đang được đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 2 chiếc tàu công suất lên đến 1.070 CV/chiếc và một chiếc tàu sắp hoàn thành có công suất 850 CV. Ông Cao Thanh Tùng, chủ Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh, chia sẻ: Cơ sở của tôi đã có gần 30 năm kinh nghiệm chuyên đóng mới và sữa chữa tàu thuyền cho ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa,... Hằng năm, năng lực của cơ sở đóng mới 10-12 tàu, sửa chữa trên 500 lượt tàu khác. Với cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, đặc biệt là gỗ đặc chủng -nguồn nguyên liệu chủ yếu- để đóng tàu khá dồi dào, cùng với hơn 30 lao động thường xuyên có tay nghề trên 15 năm kinh nghiệm, cơ sở của tôi có thể đảm nhận đóng tàu vỏ gỗ, vỏ composite, vỏ gỗ bọc composite có công suất lớn từ 800 CV trở lên cho ngư dân ở địa phương.
Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh đang đóng các con tàu "67" tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi tại lễ hạ thủy con tàu "67" đầu tiên được đóng tại Cơ sở Đại Thịnh của bà Vương Thị Thúy Vân, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức một đoàn gồm có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và bà con ngư dân đi tham quan một số cơ sở đóng tàu tại Khánh Hòa, và đối chiếu với hiện trạng, khả năng của cơ sở Đại Thịnh cũng như một số cơ sở khác trên địa bàn tỉnh, thấy rằng với kinh nghiệm cùng với năng lực của mình thì các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh có đủ khả năng để đóng những chiếc tàu xa bờ. Đối với cơ sở Đại Thịnh và những cơ sở còn lại, UBND tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để những cơ sở này có đủ năng lực và kinh nghiệm cao hơn nữa, tiếp cận những công nghệ mới hơn nữa để đóng mới và sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân…
Như vậy, bài toán về năng lực đóng mới và sửa chữa tàu thuyền trong tỉnh đã có lời giải, giúp ngư dân không phải ra tỉnh ngoài đóng tàu, giảm được chi phí đầu tư và có thể giám sát thường xuyên trong quá trình thi công con tàu của mình. Đồng thời, các cơ sở đóng tàu trong tỉnh sẽ giúp bà con ngư dân mạnh dạn hơn trong việc tham gia đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, đáp ứng khát vọng vươn khơi, bám biển, thay đổi nghề, hướng đến khai thác nguồn lợi hải sản dồi dào tại các vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp sức mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Bà Vương Thị Thúy Vân (thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, Thuận Nam),
Chủ tàu khai thác mang số hiệu NT-91242 TS:
Năm 2006, tôi đã đóng một con tàu dài 16m, công suất 400 CV tại cơ sở đóng tàu Đại Thịnh và tới thời điểm này, chưa xảy ra hư hỏng gì cả. Tàu đóng tại cơ sở Đại Thịnh chắc chắn, mẫu mã lại đẹp hơn ở cơ sở ngoài tỉnh. Tôi nghĩ việc đóng tàu tại cơ sở trong tỉnh vừa tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu được thuận lợi hơn, và cũng tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc giám sát tiến độ thực hiện con tàu, nên không chỉ tôi mà bà con ngư dân ở đây đều rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm, Thuận Nam)
Chủ tàu khai thác, công suất 1.070 CV đang được đóng mới:
Mặc dù số lượng tàu "67" chưa được đóng nhiều trong tỉnh, nhưng tôi thấy Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền Đại Thịnh đóng tàu rất chất lượng, bảo đảm, sắc sảo, giá thành rẻ hơn và có uy tín cao. Việc đóng tàu tại cơ sở trong tỉnh giúp gia đình tôi giảm được chi phí đầu tư, đi lại và có thể giám sát quá trình thi công con tàu của mình thường xuyên. Thời gian đến, nếu có điều kiện đóng thêm tàu thì tôi cũng sẽ đóng ở tỉnh, vừa đảm bảo chất lượng, vừa yên tâm.
Mai Dũng (Thực hiện)
Mai Dũng