Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Thời gian qua, có nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cho các vùng khô hạn. Tuy vậy, việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn gặp khó khăn, do chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để áp dụng cho nhiều đối tượng cây trồng ở các vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau. Với điều kiện khí hậu khô hạn như tỉnh ta, việc chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước là ưu tiên hàng đầu, nhưng hạn chế của mô hình này là thiên về tính toán tiết kiệm nước tưới, mà chưa xem xét công nghệ nào phù hợp với từng loại cây trồng. Các công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa đang sử dụng rộng rãi hiện nay đều bộc lộ những nhược điểm nhất định, đó là dễ tắc nghẽn do các tạp chất hữu cơ, chất dinh dưỡng không hòa tan; vốn đầu tư tương đối cao và đòi hỏi phải có trình độ nhất định trong quản lý, vận hành là những cản trở khiến nhiều nông dân không áp dụng.
Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố tuyển chọn nhiều giống lúa
phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Văn Miên
Liên quan đến lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp vừa có đợt khảo sát, báo cáo cụ thể tình hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình là lựa chọn công nghệ phù hợp với từng loại cây trồng; đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao. Tuy nhiên, giải pháp trên cũng chỉ mới tháo gỡ được khó khăn về nước tưới, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách toàn diện cần có những giải pháp mang tính đồng bộ. Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển sản xuất.
Nhận thức sâu sắc về Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại Hội nghị chuyên đề tưới tiết kiệm nước tổ chức vào ngày 16-11 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Liên kết với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay. Muốn tạo sự liên kết phải huy động các nguồn lực, tranh thủ mọi nguồn vốn chương trình, dự án đầu tư hạ tầng. Thực tế từ Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Lâm Đồng liên kết với nông dân trồng mía, nho rượu, cho thấy các doanh nghiệp không ngần ngại đầu tư lớn về máy móc, công nghệ tiên tiến sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nông dân thôn Tầm Ngân 1 (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn) đầu tư trồng giống ớt Hàn Quốc
cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
Tiếp tục thực hiện những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, tăng giá trị sản phẩm đặc thù có lợi thế so sánh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngành chức năng thực hiện công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung theo định hướng quy hoạch chuyên canh, xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nông dân tiếp cận công nghệ tự động hóa, công nghệ sau thu hoạch thông qua các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ, mô hình trình diễn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đang tham mưu xây dựng quy hoạch vùng cây trồng chủ lực ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tiếp tục tập trung đầu tư các loại cây nho, táo, tỏi có tỷ trọng hàng hóa và hiệu quả sản xuất cao; trong đó, nho, táo là cây trồng lợi thế của tỉnh sẽ xây dựng ổn định về quy mô các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, thực hiện quy trình nông nghiệp tốt (GAP) nhằm đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đợt hạn hạn kéo dài từ năm 2014 đến nay, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là nước tưới cho cây trồng. Do vậy, yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu nhằm mục đích gia tăng năng suất, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường.
Anh Tùng