Tác động giảm nghèo từ Nhóm nuôi cừu sinh sản ở thôn Bỉnh Nghĩa

(NTO) Bắc Sơn là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Thuận Bắc, có tổng diện tích tự nhiên 6.292,44 ha, trong đó có 5.601,42 ha đất nông nghiệp và 2,06 ha đất nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Dự án, từ thực tế địa phương, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) và Ban Phát triển xã Bắc Sơn đã xác định 6 chuỗi giá trị sản phẩm (bò, dê, cừu, lúa, bắp, đậu xanh).

Là một trong 4 thôn của xã Bắc Sơn, Bỉnh Nghĩa có diện tích đất canh tác 220 ha, trong đó có 180 ha lúa 2 vụ (đông-xuân, hè-thu) và 40 ha đất màu. Căn cứ vào các chuỗi giá trị được xác định, cùng với trồng trọt, Bỉnh Nghĩa còn phát huy thế mạnh về chăn nuôi bò, dê, cừu để cải thiện cuộc sống người dân, đặc biệt là cừu đang được chú trọng phát triển. Theo ông Sầm Liên, Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa, toàn thôn hiện có tổng đàn gia súc trên 500 con bò, 600 con dê và 500 con cừu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Để phát triển chuỗi giá trị cừu, gần giữa tháng 5-2014, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản thôn Bỉnh Nghĩa được thành lập gồm 7 hộ thành viên đều là hộ nghèo, do anh Dương Thanh Vang làm đại diện nhóm. Sau khi thành lập, từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, thông qua Quỹ CDF (Quỹ phát triển cộng đồng) đã có 35 cừu cái được chuyển giao, bình quân mỗi thành viên trong tổ nhận 5 con cừu giống để nuôi sinh sản. Ngoài ra Quỹ CDF còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm nuôi cừu làm 7 chuồng nuôi. Qua một thời gian nuôi, đến nay cừu đã sinh sản tăng đàn lên gấp đôi, có hộ như Dương Tấn Quang, Thành Văn Cù có đàn gần 20 con.

 
Chăm sóc cừu nuôi ở thôn Bỉnh Nghĩa.

Khi thành lập, vì các hộ chưa từng tiếp xúc với nghề nuôi cừu nên tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản thôn Bỉnh Nghĩa đã mời hộ từng nuôi cừu là Thành Văn Cù tham gia để hướng dẫn trong tổ. Nhờ hộ thành viên này là người chăn nuôi cừu lâu năm, có sẵn bầy đàn và có nhiều kinh nghiệm chia sẻ nên việc tương trợ cho 6 hộ nghèo còn lại về kỹ thuật chăm sóc cừu thuận lợi hơn. Ông Sầm Liên, cho biết: “Dù có 6/7 hộ trong nhóm trước đây chưa từng chăn nuôi cừu, nhưng nhờ DASU tổ chức các lớp tập huấn, bà con được hướng dẫn kỹ cách cho ăn, chăm sóc nên cừu nuôi tăng trưởng nhanh”. Điều đáng nói là tuy đất đai canh tác không nhiều, nhưng hầu hết các hộ nuôi cừu đều có đất trồng cỏ làm thức ăn cho cừu, có hộ trồng đến 1 ha. Bên cạnh đó, do địa hình lân cận thôn Bỉnh Nghĩa có nhiều đồi núi, đồng cỏ và có điều kiện phù hợp cho việc chăn thả gia súc tự nhiên nên các hộ nuôi kết hợp tận dụng rơm cỏ và các loại cây lá làm thức ăn cho cừu rất thuận lợi.

Là làng Chăm, Bỉnh Nghĩa hiện có 736 hộ dân (trên 3.600 nhân khẩu), hầu hết bà con nơi đây đều chọn đầu tư chăn nuôi bò, dê, cừu để phát triển kinh tế hộ. Bao năm qua, việc xây nhà, tậu xe, cho con ăn học của đa số người dân Bỉnh Nghĩa đều từ nguồn lợi chăn nuôi. Chăn nuôi nói chung là một trong những phương cách thoát nghèo hữu hiệu cho người dân thôn Bỉnh Nghĩa. Tuy số lượng đàn chưa lớn như bò và dê đang nuôi phổ biến ở đây, song qua thực tế phát triển đã chứng minh cừu vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi. Đặc biệt qua mô hình nuôi cừu sinh sản, nhóm thực hiện đang phát huy cao tính cộng đồng, tác động đến các hộ nghèo trong tổ nhóm vươn lên.

Hôm nay, đến Bỉnh Nghĩa có thể nhận thấy sự thay đổi về hạ tầng sản xuất nhờ đầu tư của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, trong đó nổi bật là công trình cầu và kênh Tân Khẩn phục vụ cho chuỗi giá trị trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài hưởng lợi từ hạ tầng sản xuất, qua hỗ trợ của dự án, các hộ thành viên tổ nhóm nuôi cừu sinh sản còn được tạo điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, tiến tới liên kết với doanh nghiệp hoặc cơ sở cung cấp, bao tiêu sản phẩm nhằm cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững.