Phát triển chuỗi giá trị nuôi heo đen sinh sản ở thôn Suối Đá

(NTO) Lợi Hải là một trong 4 xã được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) của huyện Thuận Bắc. Dựa trên điều kiện thực tế, địa phương đã lựa chọn chuỗi giá trị chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, đáng kể là việc thực hiện mô hình chăn nuôi heo đen sinh sản ở thôn Suối Đá, không những tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo, mà còn góp phần thúc đẩy thế mạnh chăn nuôi heo đen ở địa phương phát triển.

 
Thành viên nhóm sở thích nuôi heo đen sinh sản ở thôn Suối Đá
tích cực chăm sóc đàn heo của gia đình.

Thôn Suối Đá hiện có 550 hộ dân, với 1.912 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp của thôn khoảng 1.000ha, chủ yếu trồng lúa, bắp, đậu xanh… Do sản xuất thường xuyên thiếu nước, nên bà con chuyển sang chăn nuôi bò, dê, heo đen. Từ thực tế của thôn, năm 2013, Ban Phát triển xã đã khảo sát và thành lập 1 nhóm sở thích chăn nuôi heo đen sinh sản ở thôn Suối Đá, với 20 thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 8-2014, nhóm được DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ 120 con heo đen giống sinh sản, với tổng kinh phí 67 triệu đồng. Trong đó, dự án hỗ trợ 54 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các thành viên tham gia để làm chuồng trại, mua thức ăn. Anh Chamaléa Đông, Trưởng nhóm, cho biết: Heo đen là vật nuôi truyền thống của bà con từ lâu và gần như nhà nào trong thôn cũng nuôi. Tuy nhiên, do tập quán nuôi thả rong để heo tự kiếm ăn, nên hiệu quả kinh tế không cao. Để nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế, sau khi thành lập nhóm, các thành viên trong nhóm đã xác định nuôi theo cách gầy đàn để khi dự án kết thúc, mỗi hộ thành viên có thể tự duy trì đàn heo và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc heo đen nên các thành viên đã biết làm chuồng trại để nuôi nhốt và hàng ngày cho heo ăn đầy đủ, qua đó đã giảm được rủi ro trong đầu tư cũng như kiểm soát được dịch bệnh. Đến nay, đàn heo của nhóm đã đẻ được 3 lứa, nhiều hộ đã có heo để bán, với giá từ 500.000-800.000 đồng/con, các hộ nuôi có thêm thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/năm.

Với ưu điểm dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn có thể tận dụng được tối đa nguồn phụ phẩm nông nghiệp nên đàn heo phát triển và sinh sản tốt, mỗi hộ nhận nuôi heo nái từ Dự án HTTN đến nay đã gầy đàn được từ 7-10 con. Chị Pinăng Thị Nhơn, thành viên nhóm sở thích, cho biết: Nuôi heo đen chi phí đầu tư mua thức ăn thấp hơn nhiều so với nuôi bò, dê, cừu và có thể bán con non hoặc nuôi lớn bán thịt đều được mà đầu ra lại ổn định. Hiện gia đình đã phát triển đàn heo được 10 con.

Đồng chí Trần Minh Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phát triển xã Lợi Hải, cho biết: Mô hình chăn nuôi heo đen sinh sản ở thôn Suối Đá rất phù hợp với định hướng phát triển chuỗi giá trị đặc thù của địa phương. Để tiếp tục hỗ trợ nhóm sở thích nuôi heo đen phát triển đúng hướng và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, hiện nay xã cũng đã thành lập 1 Hợp tác xã nhằm kết nối với các doanh nghiệp để tạo “đầu ra” ổn định về số lượng và giá cả cho bà con. Qua đó, giúp các hộ nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.